Bình Dương phát triển giao thông để kết nối vùng
Những năm qua, đầu tư cho giao thông là một trong lĩnh vực được tỉnh Bình Dương đặt lên hàng đầu. Theo đó, tỉnh này đã chủ động hoàn thiện hệ thống giao thông mang tính kết nối vùng, tạo bước đột phá để phát triển bền vững.
Quy hoạch giao thông đồng bộ và kết nối
Nhiều tuyến đường khang trang trên địa bàn tỉnh Bình Dương được đưa vào sử dụng. (Ảnh: Báo QĐND) |
Có thể thấy diện mạo giao thông của Bình Dương hiện nay phát triển vượt bậc theo hướng đồng bộ, kết nối thông suốt. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đường vành đai, trục xuyên tâm đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Các công trình mang tính kết nối vùng như: Đường Mỹ Phước-Tân Vạn, đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương với Tây Ninh... đã và đang phát huy hiệu quả. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình giao thông trọng điểm khác như: Đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh qua địa bàn Bình Dương, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một (Bình Dương)-Chơn Thành (Bình Phước), cảng An Tây, đường ven sông Sài Gòn nối Bình Dương-TP Hồ Chí Minh...
Hiện, Bình Dương đang khẩn trương xây dựng tuyến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, đường vành đai 3 giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... và tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các địa phương. Đường vành đai 3 còn kết nối được vào tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành tạo liên kết cho Bình Dương với cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Với quyết tâm phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 2-8-2021 về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch xây dựng các dự án, công trình giao thông có trọng tâm, trọng điểm. Hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối là một trong 6 chiến lược của quy hoạch tỉnh.
Việc "đi trước một bước" trong phát triển giao thông giúp Bình Dương tạo ra lợi thế mới và chủ động hơn về thu hút đầu tư, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Để đạt hiệu quả trên, UBND tỉnh luôn quan tâm, tập trung đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Một cách làm hiệu quả của tỉnh là lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư, cùng với đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện có hiệu quả nhiều phương thức đầu tư, như: Hợp tác công tư, thí điểm mô hình đầu tư công-quản trị tư, đầu tư tư-sử dụng công...
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, chú trọng hạ tầng giao thông đa phương thức kết hợp các loại hình vận chuyển. Bên cạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh tiếp tục phát triển các phương án logistics và vận chuyển tiên tiến, hướng tới vận chuyển hàng hóa đa phương thức với chi phí thấp.
Phát triển giao thông để kinh tế phát triển bền vững
Giao thông phát triển và kết nối liên vùng đã giúp Bình Dương phát triển tốt mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ. Ðây là mô hình phát triển toàn diện, xây dựng tổ hợp các khu công nghiệp, đan xen với hệ thống đô thị trên nền tảng hệ thống giao thông đồng bộ gắn với mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Mô hình trên đã trở thành thương hiệu, phương tiện giúp Bình Dương thu hút tối ưu các nguồn lực để phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đồng bộ đô thị, phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Huy động nguồn lực xã hội hiệu quả trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết hợp xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, đô thị hóa hợp lý đã tạo đòn bẩy giúp Bình Dương thu hút đầu tư hiệu quả. Tỉnh có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 64.600 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn 702.000 tỷ đồng. Bình Dương hiện đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 4.185 dự án và tổng vốn đầu tư FDI hơn 40,2 tỷ USD.
Hiệu quả từ mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ được minh chứng rõ nét khi đến cuối năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã gấp 117,1 lần so năm 1997 (thời điểm tách tỉnh), dịch vụ tăng 152,5 lần, GRDP bình quân đầu người gấp 30 lần so năm 1997...
Cũng từ năm 2021 đến nay, Bình Dương đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh đã triển khai quyết liệt, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình, phát huy hiệu quả mục tiêu đầu tư.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 12 dự án gồm: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn; nâng cấp đường ĐT.743 đoạn từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần; đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài; đường Thủ Biên - Đất Cuốc (giai đoạn 1); xây dựng đường và cầu nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh…
Hiện tỉnh đang thi công 4 dự án giao thông đường bộ: Dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2); đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) và 3 dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, gồm: Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương; xây dựng hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến; đầu tư thí điểm hệ thống giám sát điều hành giao thông.
Tỉnh cũng có 11 dự án đã và đang phê duyệt chủ trương đầu tư như: Đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh - đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1); đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành (giai đoạn 1); dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, xây dựng nút giao Sóng Thần; xây dựng hệ thống giao thông thông minh tỉnh Bình Dương và cung cấp thông tin tại bến đỗ theo thời gian thực (đạt tỷ lệ 50% tổng số bến đỗ)…
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Các nội dung chỉ đạo toàn diện, bao quát tất cả các quy trình của đầu tư công, từ khâu xây dựng kế hoạch vốn, thẩm định, phê duyệt dự án, thương thảo, ký kết hợp đồng, thi công đến thanh, quyết toán các công trình…
Tiếp tục kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho giao thông
Phát triển giao thông ở Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. (Ảnh: Báo QĐND) |
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với bộ, ngành Trung ương thực hiện rà soát, đề xuất một số dự án giao thông đường bộ có nhu cầu áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương chấp thuận cho các nhà đầu tư đang đầu tư, khai thác các tuyến đường giao thông theo hình thức BOT được tiến hành nâng cấp, mở rộng tuyến; song song với công tác khảo sát, đánh giá các dự án BOT trên địa bàn tỉnh để tiến tới sắp xếp, xóa bỏ các trạm thu phí BOT.
Nhằm bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư các dự án, nhất là các dự án cao tốc, vành đai…, trong thời gian tới, tỉnh nghiên cứu các giải pháp đề xuất nguồn vốn như: Trung ương hỗ trợ đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền của Trung ương quản lý; kêu gọi đầu tư và đầu tư bằng nhiều nguồn vốn hợp pháp khác; đề xuất các phương án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2023-2024.
Tỉnh tăng cường kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các dự án bằng phương thức PPP và các hình thức hợp pháp khác; nghiên cứu, triển khai phương án khai thác nguồn thu từ đất, tổ chức lập quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, TOD dọc các tuyến đường giao thông trọng điểm để kêu gọi đấu thầu, đấu giá theo quy định nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách phục vụ đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, Bình Dương cũng kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các dự án bằng phương thức PPP và các hình thức hợp pháp khác; nghiên cứu, triển khai phương án khai thác nguồn thu từ đất, tổ chức lập quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, TOD dọc các tuyến đường giao thông trọng điểm để kêu gọi đấu thầu, đấu giá theo quy định nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách phục vụ đầu tư xây dựng…/..