Bình Dương - điểm sáng phát triển giao thông kết nối vùng
Với tinh thần “giao thông đi trước một bước”, tỉnh Bình Dương đã chủ động hoàn thiện hệ thống giao thông mang tính kết nối vùng, tạo bước đột phá để phát triển bền vững. Bình Dương được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội sau những năm đổi mới, nhất là xây dựng hiệu quả mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ.
Giao thông đồng bộ và kết nối
Các phương tiện di chuyển từ TP Hồ Chí Minh vào cửa ngõ tỉnh Bình Dương qua Quốc lộ 13 đã thông thoáng hơn khi tuyến đường huyết mạch này được nâng cấp, mở rộng lên 8 làn xe. Đây là công trình mang quyết tâm lớn của tỉnh Bình Dương, huy động hiệu quả các nguồn lực triển khai, giúp tỉnh kết nối thuận lợi với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, hai bên Quốc lộ 13 được quy hoạch trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại, mở rộng giao thương hàng hóa, kết nối liên vùng, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.
Bình Dương mở rộng Quốc lộ 13 kết hợp phát triển các cụm đô thị, dịch vụ hiện đại. Ảnh: HẠ LONG |
Đến với Bình Dương hôm nay, chúng ta sẽ cảm nhận được diện mạo giao thông phát triển vượt bậc theo hướng đồng bộ, kết nối thông suốt. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đường vành đai, trục xuyên tâm đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Các công trình mang tính kết nối vùng như: Đường Mỹ Phước-Tân Vạn, đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương với Tây Ninh... đã và đang phát huy hiệu quả. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình giao thông trọng điểm khác như: Đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh qua địa bàn Bình Dương, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một (Bình Dương)-Chơn Thành (Bình Phước), cảng An Tây, đường ven sông Sài Gòn nối Bình Dương-TP Hồ Chí Minh...
Hiện, Bình Dương đang khẩn trương xây dựng tuyến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Theo đồng chí Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, đường vành đai 3 giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... và tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các địa phương. Đường vành đai 3 còn kết nối được vào tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành tạo liên kết cho Bình Dương với cả vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tuyến Quốc lộ 13 được nâng cấp giúp kết nối tốt tỉnh Bình Dương với TP Hồ Chí Minh và các địa phương. Ảnh: HẠ LONG |
Để tạo điểm sáng trong phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, quyết tâm của Bình Dương thể hiện rõ nét khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 2-8-2021 về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch xây dựng các dự án, công trình giao thông có trọng tâm, trọng điểm. Hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối là một trong 6 chiến lược của quy hoạch tỉnh.
Việc "đi trước một bước" trong phát triển giao thông giúp Bình Dương tạo ra lợi thế mới và chủ động hơn về thu hút đầu tư, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Để đạt hiệu quả trên, UBND tỉnh luôn quan tâm, tập trung đôn đốc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Một cách làm hiệu quả của tỉnh là lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư, cùng với đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện có hiệu quả nhiều phương thức đầu tư, như: Hợp tác công tư, thí điểm mô hình đầu tư công-quản trị tư, đầu tư tư-sử dụng công...
Theo đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, hạ tầng giao thông được xây dựng và khai thác hợp lý tạo nguồn lực phát triển lớn cho tỉnh. Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, chú trọng hạ tầng giao thông đa phương thức kết hợp các loại hình vận chuyển. Bên cạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh tiếp tục phát triển các phương án logistics và vận chuyển tiên tiến, hướng tới vận chuyển hàng hóa đa phương thức với chi phí thấp.
Tạo “đòn bẩy” cho kinh tế phát triển bền vững
Giao thông phát triển và kết nối liên vùng đã giúp Bình Dương phát triển tốt mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ. Ðây là mô hình phát triển toàn diện, xây dựng tổ hợp các khu công nghiệp, đan xen với hệ thống đô thị trên nền tảng hệ thống giao thông đồng bộ gắn với mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng). Mô hình trên đã trở thành thương hiệu, phương tiện giúp Bình Dương thu hút tối ưu các nguồn lực để phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đồng bộ đô thị, phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Là địa phương tiêu biểu của tỉnh trong phát triển mô hình trên, theo đồng chí Trần Sĩ Nam, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, giao thông kết nối tốt giúp thành phố từng bước trở thành đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh. Thành phố hướng đến là trung tâm đầu mối, kết nối các loại hình vận tải đa phương thức đối với các huyện, thị xã, thành phố xung quanh và vùng Đông Nam Bộ. Giao thông giữ vai trò then chốt để địa phương kết nối hiệu quả giữa khu vực đô thị hiện hữu và khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ Bình Dương với các trung tâm động lực mới.
Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn hoàn thành, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa của Bình Dương và các địa phương. Ảnh: HẠ LONG |
Huy động nguồn lực xã hội hiệu quả trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết hợp xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, đô thị hóa hợp lý đã tạo đòn bẩy giúp Bình Dương thu hút đầu tư hiệu quả. Tỉnh có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 64.600 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn 702.000 tỷ đồng. Bình Dương hiện đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 4.185 dự án và tổng vốn đầu tư FDI hơn 40,2 tỷ USD.
Hiệu quả từ mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ được minh chứng rõ nét khi đến cuối năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã gấp 117,1 lần so năm 1997 (thời điểm tách tỉnh), dịch vụ tăng 152,5 lần, GRDP bình quân đầu người gấp 30 lần so năm 1997... Trong 10 tháng năm 2023, kinh tế của tỉnh có nhiều điểm sáng nổi bật như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 51,3% kế hoạch năm 2023 do HĐND tỉnh giao và đạt 91,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...
Một trong những ưu tiên thời gian tới của Bình Dương là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông với mục tiêu chuyển đổi thành đô thị hiện đại và thông minh. Tỉnh đặt trọng điểm vào việc xây dựng các dự án hạ tầng có tính chiến lược, bảo đảm sự liên kết mạnh, sớm hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc các trục cao tốc kết nối vùng, cùng với phát triển các khu công nghiệp thông minh, thu hút đầu tư công nghệ cao. Hiện tỉnh đã có 25/31 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vừa vinh danh Bình Dương đứng đầu cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2023, đã khẳng định chiến lược phát triển đúng của tỉnh và tiếp tục nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong chuyến thăm, làm việc tại Bình Dương mới đây, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã đánh giá Bình Dương có nhiều cách làm hay, sáng tạo, là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tỉnh đã chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, xây dựng khu công nghiệp sinh thái, thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo. Những thành tựu của Bình Dương đã góp phần hoàn thiện lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong 40 năm qua.