82 dịch vụ công trực tuyến người dân Hà Nội không phải trả phí

Để khuyến khích người dân dùng dịch vụ công trực tuyến, từ nay đến hết năm 2025, Hà Nội sẽ không thu phí khi tổ chức, cá nhân thực hiện 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố theo phương thức trực tuyến.

Toàn thành phố cung cấp 1.867 dịch vụ công trực tuyến

Nghị quyết miễn phí khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến đối với các phí, lệ phí ban hành kèm theo các Nghị quyết số 06/2020/NQ- HĐND ngày 7/7/2020; Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND 8/12/2022; Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP Hà Nội (trừ lệ phí đăng ký hộ tịch theo hình thức trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện) đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7/2023.

82 dịch vụ công trực tuyến người dân Hà Nội không phải trả phí

Người dân được hỗ trợ cấp chữ ký số miễn phí (Ảnh: Trọng Đạt)

Như vậy, các dịch vụ công được áp dụng mức thu phí, lệ phí bằng 0 khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến gồm các dịch vụ được quy định trong 3 Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội là Nghị quyết 06 ngày 7/7/2020, Nghị quyết 12 ngày 8/12/2021 và Nghị quyết 02 ngày 6/7/2022.

Theo đó, để thực hiện đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn 2030 (Đề án 06), Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị số 18/NQ-TU ngày 30/12/2022 về “chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, TP đặt mục tiêu đi đầu về xử lý toàn bộ hồ sơ trên môi trường mạng. 100% thủ tục hành chính được xác định đủ điều kiện theo quy định pháp luật và các điều kiện kỹ thuật được cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các Sở, ngành đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Theo thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, hiện toàn thành phố cung cấp 1.867 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 492 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.492 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tuy nhiên, các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp được miễn phí, lệ phí sử dụng khi thực hiện theo phương thức trực tuyến chỉ gồm 82 dịch vụ thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố.

Cụ thể, các dịch vụ công trực tuyến được miễn phí như: Cấp phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ của người dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép); Cấp phép xây dựng mới với các công trình khác; Gia hạn giấy phép xây dựng; Cấp mới đăng ký kinh doanh; Chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; Cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh hoặc bản trích lục nội dung đăng ký kinh doanh; Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

Thời gian áp dụng quy định miễn phí, lệ phí khi người dân, tổ chức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 12/2025.

70% người dân vẫn thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp

Theo Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến. Sau khi thành phố được chọn làm điểm trong việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thành ủy đã bổ sung Nghị quyết 18 ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, thành phố đặt mục tiêu đi đầu về xử lý toàn bộ hồ sơ trên môi trường mạng, 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, được triển khai trên nhiều phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; Khoảng 70% người dân vẫn thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp...

82 dịch vụ công trực tuyến người dân Hà Nội không phải trả phí

Người dân thực hiện thủ tục hành chính bằng điện thoại thông minh (Ảnh minh họa)

Vì vậy, việc tuyên truyền, khuyến khích, động viên người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến là việc cần thiết, cấp bách. Mặt khác, theo Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội, tại các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố về việc ban hành mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền hội đồng đa phần chưa ban hành mức thu phí, lệ phí khi nộp hồ sơ trực tuyến.

“Việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần khuyến khích, động viên người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến; Từ đó dần dần nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội”, theo tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội gửi Ban thường vụ Thành ủy.

Cùng với đó, các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ dần được cải thiện, nâng cấp để công dân có thể thực hiện dễ dàng và thuận tiện các thủ tục hành chính trên mạng Internet mà không phải đến giao dịch trực tiếp; Công dân có thể theo dõi tình trạng hồ sơ trên cổng dịch vụ công, qua tin nhắn điện thoại, email.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, nhằm tạo thuận tiện cho người dân giao dịch trực tuyến, trong đó có việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sở đang phối hợp với các doanh nghiệp tập trung cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, toàn thành phố đã cấp được hơn 10.000 chữ ký số cá nhân cho người dân Hà Nội.

Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh - DTI năm 2022 được Bộ TT&TT công bố ngày 12/7, ở khối các địa phương, Hà Nội xếp thứ 24, tăng 16 bậc so với năm 2021. Tuy nhiên, thứ hạng về chính quyền số chỉ tăng 1 bậc so với năm 2021, xếp vị trí thứ 40; trong khi thứ hạng ở 2 trụ cột kinh tế số và xã hội số lần lượt là 18 và 30, tăng 20 và 17 bậc.

Lượt xem: 4
Tác giả: PV
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...