"Luồng gió mới" trong sản xuất rau an toàn

Thời gian qua, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả lợi thế của địa phương. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nâng cao thu nhập nhờ sản xuất rau an toàn

Năm 2021, huyện Hoài Đức có 53 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao. Đa phần sản phẩm OCOP của Hoài Đức là ngành hàng thực phẩm, rau, củ, quả tươi, đồ ăn nhanh… chế biến nông sản.

Một trong số những hợp tác xã có nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 của huyện Hoài Đức chính là Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Nhờ việc phát triển sản xuất rau an toàn, những năm qua, hợp tác xã đã góp phần đem lại thu nhập cao cho xã viên. Hiện hợp tác xã có 4 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Rau dền, mùng tơi, cải ngồng, cải mơ.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ được biết đến bởi mô hình rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện hợp tác xã không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn nông sản an toàn mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc và bảo đảm sức khỏe cho chính người nông dân tham gia sản xuất do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu độc hại.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ hiện có 4 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Rau dền, mùng tơi, cải ngồng, cải mơ.

Tay vừa xới đất nhặt gốc rau còn thừa lại, bà Nguyễn Thị Ty, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ tâm sự: "Nhà tôi trồng rau hơn 10 năm nay. Trước kia, gia đình chủ yếu trồng rau theo cách truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao.

Khi mới bắt đầu thực hiện mô hình rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, bà con nông dân chúng tôi thường xuyên được tập huấn chuyển giao kỹ thuật để bổ sung kiến thức về trồng rau sạch và phải ghi nhật ký cấy giống, chăm sóc, thu hoạch rau”.

Cùng chung niềm vui như bà Ty, anh Cao Văn Chiến, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ bộc bạch: "Nhờ tham gia nhóm sản xuất rau sạch, kinh tế gia đình anh được cải thiện, thu nhập ổn định 50 - 60 triệu đồng/năm".

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của huyện Hoài Đức và Viện Rau quả trung ương, Dự án sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP được triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện, trong đó có thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên.

Nhờ có dự án, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ được đầu tư xây dựng một hệ thống gồm 18 giếng khoan. Viện Rau quả trung ương còn cử thêm hai kỹ sư về trực tiếp theo dõi và tư vấn kỹ thuật trồng trọt cho bà con. Sự quan tâm của huyện Hoài Đức, cùng với việc đầu tư đúng lúc, đúng chỗ của Viện Rau quả trung ương đã thổi một luồng gió mới cho trồng rau an toàn ở Tiền Lệ.

Hỗ trợ bà con mở rộng quy mô sản xuất

Đến nay, hợp tác xã có hơn 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 33ha. Thương hiệu, chất lượng, uy tín của rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và được 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng đạt xấp xỉ 50% trên tổng sản lượng của toàn hợp tác xã.

Để sản phẩm có thị trường ổn định, hợp tác xã ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Vinmart, Big C (Hà Nội) và các cửa hàng rau sạch. Trung bình một ngày, hợp tác xã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 15 – 20 tấn rau với giá bán từ từ 10-15 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nhân trong toàn xã.

Hiện nay, hợp tác xã có hơn 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 33ha

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, hiện nay các hộ dân tham gia mô hình PGS liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đều ký cam kết nếu test rau đến kỳ được thu hoạch mà có dư lượng vượt ngưỡng sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay việc lấy mẫu rau để test được cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp lấy thường xuyên, ngẫu nhiên hàng tuần, hàng tháng những chưa có hộ nào vi phạm.

Dự kiến trong thời gian tới, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ định hướng sang trồng rau hữu cơ, nhưng cái khó khăn của bà con là thị trường đầu ra cho sản phẩm. Để thực hiện hóa vấn đề trên, rất cần sự vào cuộc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, cùng các ban ngành sớm giúp người dân về kinh phí, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình ủ phân hữu cơ. Đồng thời, liên kết các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Trang thông tin có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội

Lượt xem: 39
Tác giả: Khắc Nam
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...