“Cửa ngõ” mới để Thủ đô cất cánh
Cơ sở hạ tầng đã và đang từng bước khớp nối hình thành mạng lưới kết cấu giao thông nơi các cửa ngõ Thủ đô, hấp dẫn nhà đầu tư và tăng lực hút thúc đẩy phát triển cho Hà Nội. Từ những cửa ngõ, luồng sinh khí ở các tỉnh thành, địa phương lân cận với Hà Nội được thổi bùng mạnh mẽ.
Nhu cầu thực tiễn
Đó là những nút giao thông như Giải Phóng nối liền Quốc lộ 1A cũ và là tuyến chính rẽ đi Pháp Vân - Cầu Giẽ kết nối Thủ đô về phía Nam; Là cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng giúp Thủ đô vươn mình ra hướng Đông; Là cầu Thăng Long nối dài về phía Bắc thành phố, cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng hướng về các tỉnh nằm phía Đông Bắc Thủ đô; Là Đại lộ Thăng Long, Láng - Hòa Lạc kết nối Thủ đô theo hướng Tây đi về các tỉnh Hòa Bình, Sơn La…
Mỗi hướng, mỗi cửa ngõ đều có một điểm chung xuyên suốt là tạo sự liên kết giữa Hà Nội với các vùng lân cận, hình thành nên vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các trung tâm thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Đó còn là các tuyến đường Vành đai 1, 2 và một số đoạn tuyến của vành đai 2,5 cùng vành đai 3 và 3,5... đang được tích cực triển khai xây dựng. Nhiều công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng khác như các tuyến đường sắt đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông), số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình... đang tạo nên những mối liên kết kinh tế quan trọng cho Hà Nội
TP Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến vào dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô |
Tuy nhiên, với tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tới năm 2020 mới đạt được 10,07%; Mật độ đường giao thông đạt 1,7km/km2; Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được <1%; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt được 14,70%, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không tránh khỏi và sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 3 cơ bản hoàn thành nhưng đã thực sự quá tải trước nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh, quá cảnh. Các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường vành đai 3 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mà điển hình là khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Nhu cầu về tuyến đường vành đai mới là hết sức cần thiết nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc cho vùng cửa ngõ, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội...
Mở cửa không gian mới
Ngay trong tháng 5/2021, TP Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải và một số địa phương liên quan đã ký thoả thuận xác định quan điểm chung là cần thiết phải tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Trong số đó, đoạn qua Hà Nội dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Việc sớm đầu tư tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.
Muốn nền kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng nói chung, giao thông phải đi trước một bước (Ảnh zing.vn) |
Tháng 9/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã có tờ trình đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đón nêu một số định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Trong đó, thành phố sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường vành đai 4, phát triển đô thị hai bên đường vành đai 4 nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo nguồn lực, động lực phát triển cho các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.
Đáng chú ý, thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố Hà Nội. Bởi trên thực tế, vùng Thủ đô Hà Nội với diện tích 24.314,7km2, dân số khoảng 20 triệu người, nhưng mới chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất thiết kế khoảng 25 triệu hành khách/năm, thấp hơn nhiều so với thủ đô các nước khác trên thế giới, cả về số lượng lẫn công suất.
Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Muốn nền kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng nói chung, giao thông phải đi trước một bước. Tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô hoàn thành sẽ hoàn thiện thêm khung hạ tầng giao thông cho Hà nội, mở ra không gian phát triển mới cho thành phố; Hướng tới mô hình “thành phố thông minh”...