“Áo trắng” trên xã đảo Thạnh An

Người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) giờ đây không phải đi ghe vào đất liền để khám bệnh từ khi trạm y tế xã được thành lập. Không giống các trạm y tế ở các xã đảo khác trong cả nước, Trạm y tế xã Thạnh An là cơ sở đầu tiên triển khai thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân và được tăng cường đội ngũ y sĩ, bác sĩ trẻ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Xã đảo Thạnh An trong hàng chục năm trước là đơn vị hành chính cấp xã khó khăn nhất ở TP Hồ Chí Minh, gắn với biệt danh “4 không” để chỉ những nghèo khó, thiếu thốn về điện, đường, trường, trạm. Người dân đau ốm, bệnh tật đều phải vượt biển vào đất liền khám và điều trị. Cùng với sự quan tâm đặc biệt của chính quyền, ban, ngành các cấp ở TP Hồ Chí Minh, giờ đây mọi thứ đã đổi thay gắn với những đột phá khiến nhiều người ngỡ ngàng, đặc biệt là trong dịch vụ y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Trên chiếc ghe từ đất liền hướng về xã đảo, hàng chục người già, trẻ em, phụ nữ mang thai chuyện trò, chia sẻ niềm vui khi không còn phải vất vả vào, ra giữa xã đảo với đất liền để khám bệnh ban đầu hay cấp cứu nữa. Giờ đây, các bác sĩ trên đảo đã bảo đảm khám, chữa bệnh cho người dân bằng hệ thống thiết bị y tế hiện đại, ứng dụng công nghệ điều trị mới... Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạnh An dẫn chúng tôi tham quan Trạm và chỉ tay về chiếc ca nô cấp cứu neo trên mặt nước vui mừng nói:

- Trước đây, để chuyển người dân xã đảo đi cấp cứu chỉ có một phương tiện là chiếc ghe, muốn chạy qua bờ bên kia phải mất đến 45 phút. Lo nhất là di chuyển vào ban đêm thường có nguy cơ gặp các sự cố như: Vướng lưới ngư dân, dông, bão, điểm xoáy nước, động cơ ghe hư hỏng... Giờ đây, Trạm y tế được xây dựng khang trang, được trang bị ca nô nhưng chỉ sử dụng khi có ca bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên. Việc khám và điều trị, cấp cứu thông thường đều được đội ngũ bác sĩ trẻ sử dụng trang thiết bị hiện đại xử trí tốt.

Giữa tháng 12 này là tròn một tháng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An đón nhận các bác sĩ trẻ về tăng cường và được trang bị các trang thiết bị y tế hiện đại. Tại khu vực chẩn đoán cận lâm sàng, các bác sĩ trẻ thao tác trang thiết bị y tế hiện đại có khả năng truyền dữ liệu về những bệnh viện lớn ở trung tâm TP Hồ Chí Minh để đội ngũ bác sĩ cùng hội chẩn, đánh giá, phân tích đưa ra phương án, phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Tại phòng chụp X-quang, bác sĩ Phạm Hải Việt Tỷ, thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tình nguyện tham gia chương trình luân phiên bác sĩ đến công tác có thời hạn tại xã đảo Thạnh An, đang khám cho bệnh nhân. Chỉ với vài động tác chạm tay lên màn hình của máy X-quang, bác sĩ Tỷ đã tự tin đọc các thương tổn trên phim X-quang của bệnh nhân.

Trạm y tế xã Thạnh An thu hút nhiều người dân đến khám, chữa bệnh sau khi được tăng cường bác sĩ và đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại. 

Có được kết quả chẩn đoán nhanh như thế là nhờ Trạm Y tế xã Thạnh An được triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và telemedicine kết nối với các bệnh viện tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh. Đây là trạm y tế đầu tiên của cả nước triển khai thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh X-quang, thông qua hệ thống PACS và ứng dụng Telemedicine để kết nối bác sĩ đang công tác tại trạm y tế với những bác sĩ chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm của các bệnh viện thành phố, giúp người bệnh đến khám tại trạm y tế được chẩn đoán chính xác, nhanh chóng và được điều trị đúng phác đồ. Hệ thống X-quang kỹ thuật số công nghệ mới có tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán X-quang lồng ngực (annalise CXR), được kết nối với hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS), kết hợp với chẩn đoán, hội chẩn từ xa giúp Trạm Y tế xã Thạnh An tiếp tục triển khai vận hành quy trình chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ hiện đại nhất trong thời gian tới.

“Chỉ sau một tháng, tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã đã tăng trên 20% so với những tháng trước, với 500 lượt người, trong đó có 3 trường hợp cấp cứu tại chỗ, 6 trường hợp cấp cứu được chuyển viện kịp thời lên tuyến trên. Không chỉ khám, điều trị cho bà con ở Trạm Y tế xã, các y sĩ, bác sĩ còn đến tận nhà để khám, chữa bệnh, cấp cứu những người già, người neo đơn, tàn tật và gia đình chính sách... Điều này đã khẳng định hiệu quả đột phá của ngành y tế TP Hồ Chí Minh ở địa bàn xã đảo khó khăn nhất”, bác sĩ Luân Thanh Trường chia sẻ.

Đồng chí Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Chương trình mang tên “Đưa trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân xã đảo Thạnh An” là công trình đổi mới sáng tạo và là sản phẩm đặc biệt của ngành y tế TP Hồ Chí Minh hướng đến chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau một tháng triển khai, chương trình đã khẳng định ý nghĩa và hiệu quả thiết thực. Điều đáng mừng là sau khi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát động chương trình, đã có nhiều bác sĩ trẻ của nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đăng ký xung phong về xã Thạnh An chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tags: Thạnh An
Lượt xem: 15
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết