Tiết lộ số cử tri bỏ phiếu sớm ở Ukraina về việc sáp nhập Nga

Kết quả sơ bộ vào ngày thứ ba trong năm ngày bỏ phiếu về việc sáp nhập Nga cho thấy số phiếu đã đạt ngưỡng ở Donbass và Zaporizhzhia và gần như đạt được ở Kherson, Ukraina.

Tiết lộ số cử tri bỏ phiếu sớm ở Ukraina về việc sáp nhập Nga

Bỏ phiếu về việc Donetsk và Lugansk sáp nhập Nga, tại điểm bỏ phiếu ở Alushta, Crimea, Nga. Ảnh: Sputnik

Theo RT, các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga đang tiếp tục diễn ra tại các nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở Donbass, cũng như các vùng do Nga kiểm soát ở miền nam Ukraina. Ngày 25.9, số cử tri đi bỏ phiếu đã đạt đến ngưỡng yêu cầu 50% ở các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, cùng Zaporizhzhia, chỉ có Kherson bị tụt lại phía sau.

Tại LPR, hơn 76% cử tri đủ điều kiện đã bỏ phiếu, theo số liệu chính thức. Cuộc trưng cầu dân ý ở DPR đang diễn ra với tốc độ tương tự, với khoảng 77% cử tri đã có mặt tại các điểm bỏ phiếu.

Các khu vực Kherson và Zaporizhzhia - phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga - có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn. Tuy nhiên, Zaporizhzhia đã đáp ứng ngưỡng pháp lý bắt buộc, với khoảng 51,55% cử tri đăng ký đã bỏ phiếu - theo người đứng đầu ủy ban bầu cử Zaporizhzhia, Galina Katyshenko. 

Cho đến nay, Kherson có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn, với gần 49% cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý. Các cuộc bỏ phiếu trên khắp hai khu vực và ở Donbass sẽ được mở đến hết ngày 27.9.

Ukraina và những người ủng hộ phương Tây coi các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga là bất hợp pháp và tuyên bố sẽ không công nhận bất kể kết quả thế nào. Phát biểu với đài truyền hình Mỹ CBS hôm 25.9, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng nếu Nga hoàn thành các cuộc trưng cầu dân ý, thì trong mọi trường hợp, Kiev sẽ "không thể tiếp tục bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào" với Mátxcơva.

Nga đưa quân vào Ukraina vào ngày 24.2 với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt ở Ukraina. Các thỏa thuận do Đức và Pháp làm trung gian được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014. Cựu Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko kể từ đó đã thừa nhận rằng mục tiêu chính của Kiev là sử dụng lệnh ngừng bắn để câu giờ và "tạo ra các lực lượng vũ trang mạnh mẽ".

Vào tháng 2.2022, Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là các quốc gia độc lập và yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố trở thành một quốc gia trung lập, sẽ không bao giờ gia nhập NATO hay bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Ukraina khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ.

Lượt xem: 39
Tác giả: Song Minh