Thụy Điển vượt qua rào cản cuối cùng trên con đường gia nhập NATO
Rào cản cuối cùng trên con đường gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển đã được gỡ bỏ. Ngày 26-2, Quốc hội Hungary chính thức phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn động thái này.
Có thể nói, con đường gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu khá gập ghềnh. Thụy Điển và Phần Lan đều nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5-2022, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau đó, Phần Lan chính thức là thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này, còn Thụy Điển vẫn chờ cái gật đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Quốc hội Hungary bỏ phiếu phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Ảnh: CNN |
Việc Thụy Điển gia nhập NATO cần có sự nhất trí của tất cả thành viên NATO. Sự phản đối của hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã khiến quá trình phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển bị trì hoãn. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển vào tháng 1-2024, Hungary trở thành quốc gia thành viên cuối cùng chưa thực hiện điều này. Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã đệ trình các nghị định thư phê duyệt việc Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 7-2022, nhưng vấn đề đã bị đình trệ tại Quốc hội Hungary trước sự phản đối của các nhà lập pháp của đảng cầm quyền.
Thực tế, để xóa rào cản cuối cùng đưa Thụy Điển gia nhập NATO, Mỹ và các nước thành viên còn lại đã tạo áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng đưa ra không ít nhượng bộ đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Hôm 23-2 vừa qua, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã đến thăm Budapest và thảo luận về hợp tác quốc phòng, an ninh với người đồng cấp Hungary. Hai bên cũng nhất trí về một thỏa thuận vũ khí, theo đó Hungary sẽ mua 4 máy bay chiến đấu Gripen mới do Thụy Điển sản xuất. Chuyến thăm của Thủ tướng Ulf Kristersson tới Hungary đã góp phần không nhỏ trong việc gỡ nút thắt đưa Thụy Điển gia nhập NATO.
Theo CNN, trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Hungary ngày 26-2, chỉ có 6 trong tổng số 194 thành viên Quốc hội bỏ phiếu phản đối việc Thụy Điển gia nhập NATO. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, chia sẻ trên mạng xã hội X, Thủ tướng Thụy Điển đã bày tỏ vui mừng và cho rằng đây là thời khắc lịch sử đối với Thụy Điển. Quốc gia này đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Orbán khẳng định: “Sự hợp tác quân sự của Thụy Điển và Hungary cũng như việc Thụy Điển gia nhập NATO đã củng cố an ninh của Hungary”.
Đến nay, việc Hungary phê duyệt yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn cần tới chữ ký của tổng thống nước này để chính thức được xác nhận, dự kiến diễn ra trong vài ngày tới.
Giới phân tích quân sự cho rằng, sự gia nhập của Thụy Điển sẽ góp phần củng cố sức mạnh của NATO khi mà điều này đồng nghĩa với việc khu vực biển Baltic sẽ được bao quanh bởi các thành viên của liên minh này. Đây là vùng biển rất quan trọng trong con đường hàng hải của Nga, trong đó có hai vùng đất chiến lược là thành phố St.Petersburg và Kaliningrad.
Lực lượng vũ trang Thụy Điển mặc dù đã giảm mạnh kể từ Chiến tranh Lạnh, nhưng được coi là lực lượng tăng cường tiềm năng cho khả năng phòng thủ tập thể của NATO trong khu vực. Thụy Điển có lực lượng không quân và hải quân hiện đại, đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng của NATO.
Thụy Điển cũng có một nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Trong những năm gần đây, Thụy Điển thường được xếp ở vị trí từ 12 đến 15 trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự gia nhập của Thụy Điển cũng sẽ làm thay đổi vĩnh viễn cấu trúc an ninh châu Âu và khiến mối quan hệ Nga-NATO tiến gần đến “điểm không thể quay đầu”. Nga đã nhiều lần khẳng định việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO tạo ra mối đe dọa đối với Moscow và buộc nước này phải có biện pháp cần thiết để tái cân bằng an ninh.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng Nga sẽ đáp trả bằng cách tăng cường lực lượng dọc theo biên giới với Phần Lan, triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa ở Kaliningrad.
HÙNG HÀ