Thực hư việc Nga bị phương Tây cáo buộc 'vỡ nợ nước ngoài' lần đầu sau 105 năm

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng: "Tất cả những người trong cuộc đều hiểu rằng đây hoàn toàn không phải là một vụ vỡ nợ".

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow. Ảnh: Bloomberg.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow. Ảnh: Bloomberg.

Hãng tin Bloomberg ngày 27/6 đưa tin, sau khi qua thời hạn vào ngày 26/6, Nga bị coi là "vỡ nợ trái phiếu nước ngoài" lần đầu tiên sau hơn 1 thế kỷ. 

Nhưng trang tin tài chính Cailianshe của Trung Quốc nhận định, vụ "vỡ nợ" này thực tế không phải do Nga thiếu thiện chí hoặc không có khả năng trả nợ, mà do các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến cho tiền trả lãi không thể đến tay các chủ nợ.

Các quan chức cấp cao của Nga cũng chính thức phủ nhận cáo buộc này.

Truyền thông phương Tây: Nga đã "vỡ nợ nước ngoài"

Theo Bloomberg, Nga đã không thanh toán được khoản lãi 100 triệu USD cho hai loại trái phiếu, một là trái phiếu bằng USD và trái phiếu còn lại bằng Euro - vốn đến hạn vào ngày 27/5 và đã được ân hạn 30 ngày (đến hạn vào ngày Chủ nhật vừa qua 26/6).

Nga cho biết, họ đã thanh toán nợ bằng Euro và USD, và số tiền cần được chuyển cho các chủ nợ thông qua Công ty thanh toán quốc tế Euroclear. Nhưng số tiền này đã bị kẹt ở Euroclear, và các chủ nợ vẫn chưa nhận được.

Theo Bloomberg, vì số tiền này không đến tay các chủ nợ vào ngày 26/6 (30 ngày kể từ khi hết hạn vào ngày 27/ 5), nên Nga bị coi là "vỡ nợ".

Công ty thanh toán quốc tế Euroclear không cho biết liệu các khoản thanh toán có bị đóng băng hay không, chỉ nói rằng họ phải tuân thủ mọi lệnh trừng phạt.

Bloomberg đưa tin, điều đó có nghĩa là Nga đã "vỡ nợ trái phiếu nước ngoài" lần đầu tiên kể từ khi chính phủ Liên Xô cũ phủ nhận khoản nợ từ thời Nga hoàng vào năm 1918.

Nga cũng vỡ nợ trái phiếu bằng đồng Rúp trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998; nhưng vào thời điểm đó, nước này vẫn có thể trả các khoản nợ nước ngoài.

Thực hư việc Nga bị phương Tây cáo buộc vỡ nợ nước ngoài lần đầu sau 105 năm - Ảnh 2.

Tình huống "bất khả kháng"

Theo trang Cailianshe, kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã liên tục phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Điều này khiến cho Nga gần như không thể thoát khỏi tình cảnh "vỡ nợ".

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế quyền truy cập của Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn các khoản tiền của Nga được chuyển tới các nhà đầu tư quốc tế.

Chính phủ Nga dường như cũng đã chấp nhận điều tất yếu này. Nga đã ra quyết định vào ngày 23/6 rằng, tất cả các khoản nợ trong tương lai sẽ được thanh toán bằng đồng Rúp thông qua Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia Nga, ngay cả khi hợp đồng quy định rằng chúng phải được thanh toán bằng USD hoặc các loại tiền tệ quốc tế khác.

Nga khi đó cũng chỉ trích rằng, tình huống "bất khả kháng" này là do các nước phương Tây gây ra.

Hassan Malik - nhà phân tích cấp cao về chủ quyền tại công ty Loomis Sayles & Company LP - nhận xét: "Rất hiếm khi một chính phủ đủ khả năng trả các khoản nợ của mình bị một chính phủ nước ngoài đẩy vào tình trạng vỡ nợ."

Nga không thừa nhận đây là "vỡ nợ"

Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thừa nhận rằng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ "không thể nhận được" các khoản thanh toán, nhưng cũng bác bỏ thông tin cho rằng đây là "vỡ nợ", vì trên thực tế, Nga có thiện chí và có khả năng trả các khoản nợ của mình.

Ông Siluanov giải thích: "Thứ nhất, cơ sở hạ tầng nước ngoài - ngân hàng đại lý, hệ thống thanh toán bù trừ, kho lưu ký - bị cấm kinh doanh với Nga. Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài bị nghiêm cấm chấp nhận các khoản thanh toán của chúng tôi".

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: anews.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: anews.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/6 cũng bác bỏ thông tin cho rằng Nga "vỡ nợ nước ngoài", cho rằng đây là tuyên bố vô căn cứ, bởi việc thanh toán đã được thực hiện vào tháng 5/2022.

"Những cáo buộc về việc vỡ nợ là hoàn toàn không có cơ sở, bởi vì vào tháng 5, việc thanh toán bắt buộc bằng tiền tệ đã được thực hiện và việc Công ty thanh toán quốc tế Euroclear giữ lại số tiền này hoặc không giao cho người nhận không còn là vấn đề của chúng tôi", ông Peskov phát biểu với báo giới.

Theo trang Cailianshe, vụ "vỡ nợ" này mang tính biểu tượng nhiều hơn, vì nó sẽ không có tác động thực sự đối với Nga.

Thông thường, vỡ nợ có nghĩa là một quốc gia không còn có thể vay thêm tiền từ nước ngoài, nhưng vì bản thân Nga đã bị trừng phạt, nên nước này không thể vay từ các thị trường phương Tây nữa.

Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov vào tháng 4 cũng từng cho biết rằng, bản thân Nga không có kế hoạch vay thêm tiền.

Lượt xem: 96
Tác giả: Hữu Hiển
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...