Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan chưa được xướng tên
Ngày 13-7, Quốc hội Thái Lan triệu tập cuộc họp toàn thể để tiến hành bầu chọn thủ tướng thứ 30 của nước này.
Theo quy định, đảng nào có ít nhất 25 ghế tại Hạ viện đều có thể đề cử ứng viên thủ tướng của đảng mình. Theo tờ Bangkok Post, trong cuộc bỏ phiếu ngày 13-7, do không có thêm ứng viên nào được đề cử nên ông Pita Limjaroenrat, 43 tuổi, lãnh đạo của Đảng Tiến bước (MFP)-vốn giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 5 vừa qua-trở thành ứng viên thủ tướng duy nhất. Hiến pháp Thái Lan quy định lưỡng viện Quốc hội bầu thủ tướng.
Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo của Đảng Tiến bước (MFP) phát biểu với báo giới ngày 13-7. Ảnh: AP |
Để trở thành Thủ tướng Thái Lan, ứng viên phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376/750 nghị sĩ (gồm 250 thượng nghị sĩ và 500 hạ nghị sĩ) tại Quốc hội. Trên thực tế, theo tờ Bangkok Post, vì có một thượng nghị sĩ đã từ chức vào ngày 12-7 nên bất kỳ ứng viên nào phải nhận được tối thiểu 375/749 phiếu ủng hộ tại Quốc hội mới trở thành tân thủ tướng của Thái Lan.
Trong cuộc bầu cử Hạ viện của Thái Lan hồi tháng 5 vừa qua, mặc dù có tới 70 chính đảng tham gia chạy đua nhưng không có đảng nào giành được thế đa số trong tổng số 500 ghế. Sau khi giành được 151 ghế, MFP đã liên minh với 7 đảng khác, trong đó có Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) giành được 141 ghế. Nhờ đó, liên minh 8 đảng do MFP dẫn đầu hiện kiểm soát 312 ghế tại Hạ viện Thái Lan.
Vì vậy, muốn trở thành thủ tướng, ông Pita cần thêm sự ủng hộ của ít nhất 64 nghị sĩ để đạt được tối thiểu 375/749 phiếu ủng hộ. Bởi theo đài Thai PBS, Chủ tịch Hạ viện Wan Muhamad Noor Matha thuộc Đảng Pracharath-đảng lớn thứ 3 trong liên minh 8 đảng-không được bỏ phiếu nhằm bảo đảm sự trung lập.
Trong cuộc họp ngày 13-7, các nghị sĩ Thái Lan đã tham gia cuộc tranh luận kéo dài nhiều giờ đồng hồ trước khi tiến hành bỏ phiếu bầu thủ tướng. Tờ Bangkok Post cho biết, cuộc tranh luận chủ yếu tập trung vào việc ông Pita bị cáo buộc vi phạm Hiến pháp do đang nắm giữ cổ phần của một công ty truyền thông khi tranh cử tại Hạ viện cũng như kế hoạch của MFP về việc sửa đổi luật khi quân.
Trước đó một ngày, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã quyết định gửi đơn lên Tòa án Hiến pháp khuyến nghị truất tư cách nghị sĩ của ông Pita vì cáo buộc nói trên trong khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng tuyên bố đã chấp nhận đơn khiếu nại của một luật sư đối với MFP liên quan đến kế hoạch sửa đổi luật khi quân. Giới quan sát nhận xét, những động thái này diễn ra ngay sát ngày Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu thủ tướng có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của các nghị sĩ.
Kết quả là, theo tờ Bangkok Post, trong cuộc bỏ phiếu ngày 13-7, ông Pita đã giành được 324 phiếu ủng hộ, tức là chưa đạt được con số tối thiểu 375 phiếu để trở thành tân thủ tướng của Thái Lan. Tuy nhiên, đài Thai PBS cho biết, ông Pita vẫn còn cơ hội bởi trước đó Quốc hội Thái Lan đã ấn định lịch trình bầu thủ tướng lần lượt vào các ngày 13, 19 và 20-7.
“Chúng tôi chấp nhận kết quả bỏ phiếu nhưng chúng tôi sẽ không rút lui. Kết quả này không như chúng tôi mong đợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để giành thêm sự ủng hộ trong lần bỏ phiếu tiếp theo", tờ Bangkok Post dẫn lời ông Pita phát biểu với báo giới sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố.
Theo đài Thai PBS, trong trường hợp ông Pita không giành đủ số phiếu cần thiết trong lần bỏ phiếu tiếp theo tại Quốc hội, Đảng Pheu Thai-đảng lớn thứ hai trong liên minh 8 đảng-có thể đề cử ứng viên thủ tướng của riêng đảng này, bắt tay với các đối tác mới hoặc thậm chí thành lập một liên minh mới mà không có MFP.
Giới phân tích cũng không loại trừ một khả năng khác là các đảng trong chính phủ liên minh sắp mãn nhiệm có thể nỗ lực thành lập một liên minh thiểu số với tổng cộng 180 ghế tại Hạ viện, đề cử một ứng viên thủ tướng chung và nhận được sự ủng hộ của tất cả thượng nghị sĩ.
Trong trường hợp Quốc hội Thái Lan không chọn được tân thủ tướng từ danh sách ứng viên do các đảng đưa ra, nếu như ít nhất 2/3 nghị sĩ đồng ý thì một chính khách nằm ngoài danh sách ứng viên có thể được đề cử. Ứng viên này cũng cần tối thiểu 375/749 phiếu ủng hộ tại Quốc hội để trở thành thủ tướng.
Hai tháng sau cuộc bầu cử Hạ viện, hơn bao giờ hết, cử tri xứ chùa Vàng cũng như giới doanh nghiệp trong nước đang mong muốn một chính phủ mới nhanh chóng được thành lập để xử lý các vấn đề cấp bách trong bối cảnh kinh tế Thái Lan được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm, tỷ lệ lạm phát cao đe dọa triển vọng phục hồi sau đại dịch.