Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tìm cách khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trong bối cảnh giá lương thực trên thị trường thế giới đã tăng sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận này.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh NTV, ngày 28-8, ông Akif Cagatay Kilic, Cố vấn trưởng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, khẳng định Ankara hiện không xem xét các lựa chọn thay thế cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn qua các cảng ở Biển Đen. Ông Kilic nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục thỏa thuận ngũ cốc với sự tham gia của Nga, đồng thời lưu ý đây là ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. “Mặc dù phía Nga đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận nhưng họ nói rằng có thể tiếp tục nếu có một số điều kiện nhất định phù hợp với mong đợi của họ. Phía Ukraine cũng tuyên bố rằng không có thái độ tiêu cực đối với việc tiếp tục đàm phán về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc”, ông Kilic cho biết.

 Thu hoạch lúa mì ở Ukraine. Ảnh: AP 

Cùng ngày, theo AFP, người phát ngôn Đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik cho biết Tổng thống Erdogan sẽ sớm thăm Nga để thảo luận về việc khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Phát biểu với báo giới, ông Celik lạc quan rằng sau chuyến thăm của ông Erdogan tới thành phố Sochi của Nga, hai bên sẽ đạt được bước tiến trong thỏa thuận ngũ cốc. Phía Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực.

Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết, Ankara muốn nối lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, đồng thời cảnh báo các tuyến đường thay thế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông Fidan, giải pháp không có sự tham gia của Nga sẽ gây ra nhiều hậu quả.

Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Do đó, sau khi xung đột giữa hai nước này nổ ra, giá lương thực tăng cao kỷ lục, khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên trầm trọng thêm. Trong những năm gần đây, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, xung đột khu vực và đại dịch Covid-19.

Tháng 7-2022, Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Theo sáng kiến, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới. Trong khi đó, Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17-7 vừa qua sau khi Nga không gia hạn thỏa thuận với lý do phần thỏa thuận liên quan đến nước này không được thực hiện. Moscow cho biết, những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm là rào cản đối với các chuyến hàng của nước này. Khi thỏa thuận hết hiệu lực, Nga rút lại các bảo đảm về an toàn hàng hải cho các tàu chở hàng cũng như thu hẹp hành lang nhân đạo trên Biển Đen. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, nếu một phần của thỏa thuận liên quan đến Nga được thực hiện, Moscow sẽ ngay lập tức quay lại thực hiện thỏa thuận.

Kể từ khi được ký kết, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã bảo đảm việc xuất khẩu 32,9 triệu tấn ngũ cốc đến 45 quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia nhận định, thỏa thuận này được coi như “phao cứu sinh” đối với an ninh lương thực toàn cầu. Vì vậy, việc thỏa thuận ngũ cốc không được gia hạn là đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực thế giới nói chung và ngành nông nghiệp Ukraine nói riêng. Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, LHQ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nỗ lực kêu gọi Nga trở lại thỏa thuận này.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...