Rắc rối pháp lý đeo đuổi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
Ngày 13-6, Tòa án liên bang tại Miami (bang Florida) đã tiến hành phiên xét xử cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với cáo buộc lưu trữ trái phép các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở.
Vụ việc được coi là một cuộc chiến pháp lý có khả năng kéo dài trong nhiều tháng tới, trong bối cảnh ông Donald Trump đang là một trong những ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2024.
Buổi xét xử đầu tiên diễn ra trong chưa đầy 50 phút, kết thúc với việc luật sư của ông Donald Trump phủ nhận tất cả tội danh và tòa án cho phép cựu Tổng thống cùng trợ lý rời khỏi phiên tòa mà không bị quản thúc, cũng như không phải nộp tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, cựu Tổng thống sẽ không được phép liên lạc với các nhân chứng liên quan trong vụ việc.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy tay chào những người ủng hộ sau khi rời khỏi phiên tòa ngày 13-6. |
Ông Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố mình vô tội và cáo buộc Đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Joe Biden đang chĩa mũi dùi công kích vào cá nhân ông. Sau khi rời khỏi phiên tòa, cựu Tổng thống phát biểu với những người ủng hộ rằng nước Mỹ đang tràn đầy "gian lận", "tham nhũng" và "suy tàn", rằng “Chúng ta có một chính phủ mất kiểm soát”, Reuters trích dẫn. Còn Alina Habba-luật sư của cựu Tổng thống thì gọi các cáo buộc dành cho ông Donald Trump là “vũ khí hóa trắng trợn và không thể biện hộ của hệ thống tư pháp hình sự”.
Theo bản cáo trạng của bồi thẩm đoàn, cựu Tổng thống bị buộc tội mạo hiểm với bí mật quốc gia bằng cách mang theo hàng nghìn tài liệu nhạy cảm khi rời Nhà Trắng vào tháng 1-2021 và cất giữ chúng “một cách bừa bãi” tại dinh thự riêng Mar-a-Lago ở Florida và câu lạc bộ golf ở New Jersey. Các tấm ảnh trong cáo trạng cho thấy các hộp đựng tài liệu được cất giữ trên sân khấu phòng khiêu vũ, trong phòng tắm và nằm rải rác trên sàn nhà kho. Các tài liệu đó bao gồm thông tin mật liên quan tới chương trình hạt nhân của Washington và một số lỗ hổng tiềm ẩn trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công. Bản cáo trạng liệt kê 37 tội danh của cựu Tổng thống, trong đó có cất giữ trái phép tài liệu mật, cho người khác xem và cản trở các cuộc điều tra. Cựu Tổng thống bị buộc tội vi phạm Đạo luật gián điệp-vốn hình sự hóa việc sở hữu trái phép thông tin liên quan đến an ninh quốc gia-và âm mưu cản trở công lý, với mức án tối đa 20 năm tù trong trường hợp bị tòa án phán quyết là có tội.
Bất chấp những rắc rối pháp lý gần đây, giới phân tích cho rằng không có gì cản trở được nỗ lực trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống, cũng như vị thế của ông trước các cử tri Đảng Cộng hòa sẽ không bị ảnh hưởng. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, ông Donald Trump vẫn dẫn đầu danh sách đề cử của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Có tới 81% cử tri Đảng Cộng hòa coi các cáo buộc nhằm vào ông Donald Trump là mang động cơ chính trị, đồng thời tố cáo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thiên vị trong quá trình điều tra vụ việc.
Giới phân tích cũng nhận định, sự phức tạp trong việc xử lý bằng chứng mật và thủ đoạn pháp lý của các luật sư của cựu Tổng thống có thể khiến phiên tòa bị trì hoãn hơn một năm. Trong thời gian đó, ông Donald Trump được tự do vận động tranh cử và có thể nhậm chức ngay cả khi bị kết tội.
Đây không phải là lần đầu tiên cựu Tổng thống vướng vào rắc rối pháp lý. Ông Donald Trump từng phải trình diện trước tòa án bang Manhattan ở New York với cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản tiền bịt miệng trả cho một ngôi sao khiêu dâm năm 2016, cũng như đang bị điều tra về cáo buộc vi phạm luật bầu cử tại bang Georgia.
Tuy nhiên, những vụ việc trước đây do tòa án cấp tiểu bang tiến hành, còn vụ việc lần này đã khiến ông Donald Trump trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị tòa án cấp liên bang truy tố. Vụ việc đã khoét sâu sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ, khi phe Cộng hòa lên án Đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Joe Biden đã biến các cơ quan công quyền thành vũ khí chính trị để triệt hạ đối thủ. Không chịu thúc thủ, phe Cộng hòa tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả, trong đó có việc cắt giảm ngân sách dành cho Bộ Tư pháp và FBI, đồng thời đẩy mạnh cuộc điều tra nhằm vào Hunter Biden-con trai của đương kim Tổng thống.