Quân sự thế giới hôm nay (4-4): Tên lửa Kh-101 của Nga có đầu đạn kép?
Quân sự thế giới hôm nay (4-4-2024) có những thông tin sau: L3Harris phát triển hệ thống chống UAV Vampire phiên bản hải quân, Không quân Mỹ tiếp tục nâng cấp công nghệ tự lái cho máy bay F-16, tên lửa Kh-101 của Nga có đầu đạn kép?
* L3Harris phát triển hệ thống chống UAV Vampire phiên bản hải quân
L3Harris Technologies đang hướng tới phát triển hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) Vampire cho hải quân, đồng thời công ty cũng đang thực hiện những thiết kế ban đầu để hệ thống vũ khí này có thể tương thích với tàu mặt nước không người lái (USV).
Đầu năm 2023, L3Harris thông báo đã nhận được hợp đồng trị giá 40 triệu USD ký kết với Lầu Năm Góc để chế tạo 14 hệ thống tên lửa Vampire lắp đặt trên xe tải gửi tới Ukraine. Mỗi hệ thống Vampire bao gồm cảm biến tìm kiếm và khóa mục tiêu WESCAM MX-10 RSTA, hệ thống bệ phóng và tên lửa chính xác cao.
L3Harris sẽ phát triển hệ thống chống UAV Vampire phiên bản hải quân. Ảnh: L3Harris |
Theo một số hãng truyền thông phương Tây, tháng 2 vừa qua lực lượng Ukraine đã bắn hạ thành công một máy bay không người lái Shahed bằng hệ thống chống UAV Vampire. Lý do để L3Harris phát triển hệ thống Vampire phiên bản hải quân là hiện tại Hải quân Mỹ và lực lượng hải quân nhiều nước đang nỗ lực bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải đường biển đi qua khu vực Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi liên tục diễn ra, sử dụng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV nhằm vào các tàu thương mại.
Ban đầu được thiết để triển khai từ xe tải, việc đặt bệ phóng tên lửa Vampire lên USV sẽ là một khó khăn lớn. Ông Jon Rambeau, Phụ trách hệ thống tích hợp của L3Harris, cho biết: “Cần phải bảo đảm cho tàu USV có độ ổn định đủ để chịu được phản lực của tên lửa khi rời bệ phóng và vectơ khí phóng từ tên lửa không làm hỏng con tàu. Để làm được việc này, cần điều chỉnh một số vấn đề về cấu hình, hướng phóng, và độ ổn định. Nhưng chúng tôi cho rằng tất cả những điều đó đều có thể được giải quyết”.
* Không quân Mỹ tiếp tục nâng cấp công nghệ tự lái cho máy bay F-16
Không quân Mỹ đang tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao năng lực và công nghệ tự lái cho các nền tảng tác chiến trên không. Ngày 2-4, Bulgarian Military đưa tin, 3 chiếc máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon đã hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Eglin ở bang Florida, chuẩn bị bước vào nâng cấp từ máy bay có người lái sang máy bay lái tự động. Đây là một phần của Chương trình tự lái nổi tiếng VENOM-A.
Được biết đến với tên gọi đầy đủ là Chương trình thử nghiệm bay tự động mô hình tác chiến thế hệ tiếp theo Viper, chương trình VENOM-A của Không quân Mỹ là một nỗ lực hướng tới nghiên cứu và phát triển các nền tảng tự động tiên tiến có khả năng thực thi các nhiệm vụ trên không trong tương lai. Dự án đầy tham vọng này là một phần của kế hoạch tổng thể và lớn hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Không quân Mỹ thông qua tích hợp các hệ thống tự động.
Không quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tự lái cho máy bay F-16. Ảnh: Không quân Mỹ |
VENOM-A sẽ nâng cấp máy bay có người lái hiện có, nhưng thông tin chi tiết về các loại máy bay liên quan vẫn chưa được tiết lộ cụ thể. VENOM-A sẽ tập trung vào việc kết hợp các hệ thống và công nghệ tự lái tiên tiến để cải tiến khả năng vận hành cho các máy bay có người lái hiện có, bao gồm các cảm biến hiện đại giúp nâng cao nhận biết tình huống cho máy bay, hệ thống định vị giúp máy bay vẫn hoạt động bình thường trong môi trường bị gây nhiễu hoặc khi bị cắt đứt đường truyền tới hệ thống định vị GPS và các thuật toán cao cấp để tự động ra quyết định.
Chương trình VENOM-A đánh dấu bước tiến đáng kể và một nỗ lực lớn của Không quân Mỹ trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào tăng cường khả năng tác chiến của mình. Bằng cách tích hợp các cơ chế tự lái vào máy bay hiện có, Không quân Mỹ có thể tiếp tục duy trì ưu thế công nghệ của mình và luôn sẵn sàng cho những thách thức trong tác chiến tương lai. Hành trình chuyển đổi sẽ bắt đầu với máy bay chiến đấu F-16 có người lái, dần chuyển sang điều khiển bằng phần mềm tự động trong các chuyến bay thử nghiệm.
Trong tương lai, khi máy bay tự lái đóng vai trò quan trọng, Không quân Mỹ đặt mục tiêu ứng dụng hơn 1.000 mẫu tự lái vào dòng máy bay chiến đấu F-35A và máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Những hệ thống tự lái này rất linh hoạt, có khả năng thực hiện nhiều tác vụ như tác chiến điện tử, thu thập thông tin tình báo, trinh sát, tấn công mục tiêu bằng hỏa lực thông thường hoặc tên lửa, và có thể làm mồi nhử khi cần thiết.
Ngân sách dự kiến dành riêng cho VENOM-A trong năm 2024 là khoảng 50 triệu USD, tập trung vào thử nghiệm phần mềm lái tự động trên máy bay F-16. Ngoài ra, 69 triệu USD nữa cũng được phân bổ để thành lập một nhóm có nhiệm vụ đặt nền móng và thiết lập các quy trình để biên chế máy bay tự lái vào đội bay hiện có, sao cho hệ thống hiện có và hệ thống mới vận hành một cách trơn tru.
* Tên lửa Kh-101 của Nga có đầu đạn kép?
Tên lửa Kh-101 đang được lắp đặt lên máy bay ném bom. Ảnh: eurasiantimes.com |
Ngày 2-4, một số nguồn tin phương Tây và kênh War Home trên mạng xã hội Telegram cho biết, Nga đã và đang nâng cấp tên lửa hành trình Kh-101 bằng cách trang bị đầu đạn kép cho tên lửa triển khai từ máy bay này. Việc điều chỉnh này sẽ tăng gấp đôi uy lực cho tên lửa. Thông tin về việc nâng cấp tên lửa hành trình Kh-101 được đưa ra sau khi lực lượng phòng không Ukraine công bố đánh chặn thành công một biến thể của tên lửa Kh-101 vào ngày 29-3 vừa qua.
Thông tin do kênh War Home tiết lộ cho rằng, tên lửa Kh-101 đã được trang bị thêm một đầu đạn thứ hai, làm tăng gấp đôi tải trọng. Các mảnh vỡ của tên lửa khi được kiểm tra cũng cho thấy khối lượng thuốc nổ đã được tăng từ 400kg lên 800kg, gia tăng đáng kể uy lực tấn công của Kh-101. Theo các nguồn tin Ukraine, việc nâng cấp này đạt được nhờ việc giảm kích thước của bình nhiên liệu. Mặc dù việc thay đổi dung tích bình nhiên liệu làm giảm tầm bắn từ 5.500km xuống còn khoảng 2.250km, nhưng nó tạo thêm không gian cho đầu đạn thứ hai và không ảnh hưởng đến hiệu quả tác chiến của tên lửa.
Khái niệm “đầu đạn kép” được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đề cập lần đầu tiên vào tháng 1-2024 trong chuyến thăm tới Viện thiết kế tên lửa Raduga. Như vậy, nếu những thông tin từ phía Ukraine và phương Tây là đúng thì khái niệm này cuối cùng đã trở thành hiện thực. Việc đưa đầu đạn kép vào Kh-101 gần đây chứng tỏ Nga không ngừng cải tiến và nâng cấp kho vũ khí của mình nhằm thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong chiến tranh hiện đại.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.