Những người mắc kẹt giữa giao tranh ở Sudan

Theo AP, anh Mahmoud gần như không bao giờ rời khỏi căn hộ nhỏ của mình ở phía Đông thủ đô Khartoum của Sudan.

Điện đã bị cắt gần như cả tháng qua. Do đó, anh cảm thấy ngột ngạt trong cái nóng mùa hè. Khi mạo hiểm ra ngoài tìm thức ăn, anh đã phải bỏ lại điện thoại di động của mình vì những kẻ cướp bóc trên đường phố. Kỹ thuật viên trẻ tuổi này hiện phải dựa vào những cuốn sách của mình để ngăn tâm trạng trở nên tồi tệ hơn khi không thể thoát khỏi thủ đô của Sudan đang bị giao tranh tàn phá.

Kể từ khi giao tranh giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) nổ ra vào giữa tháng 4 vừa qua, hơn 1,3 triệu người đã rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn đến một số khu vực có tình hình an ninh tốt hơn trong nước hoặc qua biên giới.

 Người dân đi ngang qua một khu chợ ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AP

Tuy nhiên, anh Mahmoud và hàng triệu người khác vẫn bị mắc kẹt ở Khartoum cũng như các thành phố Bahri và Omdurman. Đối với họ, mỗi ngày là một cuộc đấu tranh để tìm thức ăn, nước uống và sạc điện thoại khi bị cắt điện. Bên cạnh đó, họ còn phải tìm cách tránh những tên tội phạm trên đường phố.

Trong bối cảnh này, ứng dụng Bankak của ngân hàng Khartoum đã trở thành giải pháp cho nhiều người, cho phép người dùng chuyển tiền và thanh toán điện tử. Anh Mahmoud sử dụng ứng dụng này để trả tiền cho một chủ cửa hàng để mua đồ hộp.

Khi mất điện, chủ cửa hàng vẫn cung cấp cho Mahmoud thứ anh cần và chấp nhận để anh thanh toán sau. Ngoài ra, công ty công nghệ mà Mahmoud làm việc trước khi xảy ra giao tranh cũng gửi 30.000 bảng Sudan (khoảng 50USD) vào tài khoản của anh vài tuần một lần. Điều đó giúp anh Mahmoud tiếp tục duy trì cuộc sống. 

Anh Mahmoud muốn đến Ethiopia, sau đó đến Bồ Đào Nha, nơi anh được mời làm kỹ thuật viên phòng nghiên cứu. Nhưng anh không có 2.500USD để trang trải cho chuyến đi. Trong khi đó, những người khác nói rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại và làm việc.

Tana Tusafi, một trong những người phụ nữ bán trà trên đường phố ở Khartoum, cho biết 4 đứa con của cô đều trông cậy vào cô. “Tôi không có ai chu cấp cho mình. Vì vậy tôi phải làm việc”, cô Tusafi chia sẻ.

Tags: Sudan
Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết