Nga trông đợi gì ở đồng ruble điện tử?

Việc đồng ruble điện tử của Ngân hàng Trung ương Nga (CBDC) chính thức đi vào hoạt động mới đây sẽ mang lại hiệu quả ra sao trong việc hạn chế các tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga? Cho dù còn quá sớm để có câu trả lời, nhưng nỗ lực này của Nga là một bước đi cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước sử dụng tiền số như một cách để tránh sự phụ thuộc vào đồng USD thống trị trong thương mại quốc tế.

Theo Orfonline, việc triển khai tiền kỹ thuật số và khám phá khả năng tương tác của loại tiền này có thể giúp thúc đẩy thương mại quốc tế, tạo ra một phạm vi ảnh hưởng thay thế ngoài hệ thống mà đồng USD thống trị. Do thương mại toàn cầu giao dịch bằng đồng USD nên các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào đâu là ở đó khó có thể tránh khỏi bị tác động. Có thể thấy các lệnh trừng phạt đã gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu ra sao vì Nga là nước xuất khẩu dầu thô, lúa mì và coban lớn trên thế giới. Các lệnh trừng phạt đã khiến giá các mặt hàng này tăng đột biến trên toàn cầu. Trong trường hợp Mỹ đóng băng các giao dịch, đồng ruble sẽ bị giảm mạnh và mối lo đối với khoản nợ của Nga cũng tăng lên. Việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT cùng sức ép từ các lệnh trừng phạt khác có thể dẫn đến một cuộc tái cơ cấu lớn trong nền kinh tế Nga.

Trong bối cảnh đó, ngoài việc tìm kiếm mối quan hệ đối tác thương mại ở châu Á và châu Phi, Nga cũng thúc đẩy việc sử dụng đồng ruble điện tử để nâng cao hiệu quả thương mại, làm hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt. 

Nga cũng như nhiều nước trên thế giới đang thử nghiệm tiền điện tử như một giải pháp để hạn chế những hệ lụy ngoài mong muốn đối với nền kinh tế vì sự phụ thuộc vào đồng USD. Với việc sử dụng đồng ruble điện tử để thanh toán, người chuyển tiền có thể chuyển trực tiếp đến người nhận thông qua ví điện tử mà không cần qua một tổ chức tín dụng trung gian nào. Đồng ruble điện tử được tạo ra trong ví điện tử, có thể chuyển, nhận thanh toán trực tuyến hoặc ngoại tuyến, không phụ thuộc vào internet. Tất cả những điều này có nghĩa là dòng tài chính có thể vượt qua các hệ thống do các quốc gia không thân thiện kiểm soát. 

Ngân hàng Trung ương Nga (ảnh minh họa). Ảnh: Moscowtimes 

Trên thực tế, không phải đợi tới khi chịu nhiều áp lực trừng phạt, Nga mới quan tâm tới tiền điện tử. Nga lần đầu tiên cho thấy sự quan tâm tới loại tiền này là vào năm 2017, nhưng chưa có kế hoạch phát triển nào. Sau đó vào cuối năm 2020, ý tưởng giới thiệu một loại tiền kỹ thuật số quốc gia mới được Nga công bố. Và tới năm 2022, Ngân hàng Trung ương Nga mới công bố kế hoạch sẽ ra mắt đồng ruble điện tử vào năm 2024 nhằm mục đích tích hợp tiền kỹ thuật số vào các hệ thống thanh toán hiện có. Có thể khẳng định, kế hoạch phát triển CBDC đã được thực hiện từ trước cuộc xung đột ở Ukraine, song chính các đòn trừng phạt và hạn chế của phương Tây đã đẩy nhanh hơn nỗ lực này của Moscow. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, đồng ruble điện tử có triển vọng trở thành phương thức thanh toán phổ biến của người dân và doanh nghiệp, thậm chí có thể thay thế được vai trò của SWIFT, giúp phá vỡ một số lệnh trừng phạt chống lại Nga. Khi đồng ruble điện tử chưa phát hành, theo tờ Gazeta, đến cuối năm 2022, tỷ lệ thanh toán quốc tế bằng các loại tiền thay thế cho đồng USD và đồng euro ở Nga đã tăng hơn gấp đôi, từ 21% lên gần 50%. 

Tuy nhiên, để sáng kiến tiền điện tử phát huy hiệu quả, cần phải tính tới các yếu tố khác như sức mạnh của đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc và khả năng “hồi phục” của đồng USD. Hiện Nga đang thực thi các phương pháp tiếp cận thực tế và giám sát thận trọng việc sử dụng loại tiền điện tử này. Đồng ruble điện tử sẽ được phát hành cùng với đồng ruble truyền thống. Bước đầu, đồng ruble điện tử mới chỉ được áp dụng trong hoạt động chuyển khoản, thanh toán và được giữ trong ví điện tử trên nền tảng do Ngân hàng Trung ương Nga điều hành. Quy định về đồng ruble điện tử chưa cho phép mở khoản tiền gửi, vay tiền hoặc nhận lãi. 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã đề xuất nghiên cứu sử dụng đồng ruble điện tử để thanh toán lương hưu. Nga ban đầu dự định sử dụng CBDC trong các giao dịch nội địa, song những diễn biến sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy nước này nghiên cứu các ứng dụng xuyên biên giới, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống SWIFT do phương Tây kiểm soát. 

Không giống như các loại tiền điện tử như bitcoin, đồng ruble điện tử được đánh giá là sẽ có rủi ro tối thiểu, vì nó sẽ được phát hành bởi cơ quan quản lý tiền tệ nhà nước và được bảo chứng bởi tiền truyền thống. Với việc triển khai rộng rãi đồng ruble điện tử, công dân Nga sẽ có thể thanh toán và chuyển tiền nhanh thông qua ví điện tử. Việc sử dụng đồng tiền này là không bắt buộc, tuy nhiên Chính phủ Nga hy vọng công cụ này sẽ phổ biến vào năm 2027.

Tags: Nga
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan