Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương
Ngày 22-5, Mỹ và Papua New Guinea đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới, theo đó cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận những cảng biển và sân bay của đảo quốc này. Đây sẽ là bước đi quan trọng để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea Win Bakri Daki cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ký thỏa thuận trên tại thủ đô Port Moresby trước khi ông Blinken và 14 nhà lãnh đạo của những đảo quốc Nam Thái Bình Dương nhóm họp tại đây.
Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape thông báo đã hoàn tất thỏa thuận hợp tác quốc phòng, đồng thời cho biết đảo quốc Thái Bình Dương này đang nâng cấp quan hệ với Mỹ. Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken cho biết theo thỏa thuận, Mỹ và Papua New Guinea sẽ cho phép tàu của nước này cập cảng nước kia. Hai nước cũng có thể chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và tiến hành tuần tra chung trên biển.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Papua New Guinea Win Bakri Daki sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Ảnh: Dawn |
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thỏa thuận sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác an ninh và củng cố quan hệ song phương, nâng cao năng lực của Lực lượng Phòng vệ Papua New Guinea, đồng thời góp phần bảo đảm ổn định và an ninh trong khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tài trợ 45 triệu USD cho Papua New Guinea để cung cấp các trang thiết bị quốc phòng cho quân đội, giảm tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề tội phạm xuyên quốc gia và HIV/AIDS.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken đang có chuyến thăm Papua New Guinea, sau khi Tổng thống Joe Biden buộc phải hủy chuyến đi để tập trung vào cuộc khủng hoảng trần nợ công trong nước.
Những năm gần đây, Washington đang từng bước thúc đẩy hợp tác với các quốc gia Thái Bình Dương, tăng cường can dự ở khu vực nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái tại Washington có thể xem như sự xác nhận của Chính quyền Biden về tầm quan trọng và nhu cầu nâng cấp quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang có xu hướng gia tăng trong khu vực.
Trên thực tế, mối quan tâm của Washington đối với các quần đảo Thái Bình Dương còn xuất phát từ việc Mỹ có những lợi ích cơ bản ở đây. Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, có một số lãnh thổ (bang Hawaii, Samoa, quần đảo Bắc Mariana và Guam) nằm trong khu vực này. Bên cạnh đó, các hòn đảo ở Thái Bình Dương trải rộng trên diện tích biển 40 triệu km2 và là nơi có các tuyến hàng hải huyết mạch, nối Mỹ với các đồng minh Australia, Nhật Bản.
Tăng cường quan hệ đối tác chỉ là bước ban đầu để Mỹ có thể đạt mục tiêu cài đặt lại quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương. Để chiến lược mới thành công, Mỹ sẽ cần duy trì can dự và hiện diện tại đây trong nhiều năm tới cũng như cần phải đầu tư thời gian và nguồn lực nhằm mở rộng các mối quan hệ, qua đó có thể thúc đẩy các mối liên kết an ninh tại khu vực. Thỏa thuận mà Mỹ ký kết với Papua New Guinea có thể xem như một ví dụ của mối liên kết an ninh mà Washington nhắm tới đối với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Phản ứng trước thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Papua New Guinea, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, nước này không phản đối trao đổi bình thường và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên, đồng thời luôn ủng hộ cộng đồng quốc tế quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển của các đảo quốc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng cảnh báo về “trò chơi địa chính trị”. “Điều chúng ta cần cảnh giác là tham gia vào các trò chơi địa chính trị dưới danh nghĩa hợp tác”, ông Mao Ninh cho biết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Thỏa thuận quốc phòng mà Mỹ và Papua New Guinea ký kết là công bằng và bảo đảm chủ quyền cho mỗi quốc gia. Thỏa thuận này sẽ tăng cường năng lực cho lực lượng quốc phòng Papua New Guinea, cung cấp các hỗ trợ nhân đạo bao gồm cả các hỗ trợ về y tế đối với những đối tượng bị tác động bởi khủng hoảng”.
Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác quốc phòng chỉ là một trong số những nội dung mà Mỹ thúc đẩy hợp tác với Papua New Guinea trong thời gian tới bên cạnh các lĩnh vực khác như thúc đẩy hợp tác phát triển, tăng cường đối thoại chiến lược, phòng, chống tội phạm có tổ chức, chống các hoạt động bất hợp pháp trên biển...