Một nửa dân số Mỹ chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng
Ngày 27-7, một đợt nắng nóng gay gắt đã tràn xuống miền Đông nước Mỹ, khiến các cơ quan chức năng phải phát đi cảnh báo về những nguy hiểm do nhiệt độ và độ ẩm cao gây ra. Thông tin từ Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, khoảng 180 triệu người - tương đương 50% dân số Mỹ - đang được theo dõi và cảnh báo nhiệt, với nhiệt độ và chỉ số nhiệt được dự báo ở mức cao hơn 37,8 độ C ít nhất là cho đến ngày 29-7.
Các cơ quan chức năng ở thành phố New York, Washington D.C., Philadelphia và nhiều thành phố lớn khác đã kêu gọi người dân tránh làm việc hoặc vui chơi ngoài trời, đồng thời cần uống nhiều nước, quan tâm hơn đến sức khỏe người thân và những người xung quanh.
Trên nền tảng xã hội “X” - trước đây gọi là Twitter, Thị trưởng Washington D.C. Muriel Bowser cho biết 4 ngày tới sẽ cực kỳ nóng. Thủ đô nước Mỹ dự báo sẽ chứng kiến chỉ số nhiệt, thước đo cảm giác về nhiệt độ đối với cơ thể con người, đạt mức 41,7 độ C.
Nắng nóng kéo dài ở bang Arizona (Mỹ) gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Ảnh: rtbf.be |
Tại Philadelphia, nhà chức trách đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế do nắng nóng cho đến ngày 29-7 và thiết lập đường dây nóng trợ giúp cho người già, mở các trung tâm tránh nóng và tăng cường hỗ trợ người vô gia cư. Các cơ sở tránh nóng cũng được mở trên khắp thành phố New York dành cho những người không có điều hòa nhiệt độ. Dự báo, chỉ số nhiệt có thể lên tới 39,4 độ C trong ngày 28-7 tại thành phố đông dân nhất nước Mỹ. Một đợt nắng nóng kéo dài cũng đã bao trùm vùng Tây Nam nước Mỹ suốt nhiều tuần. Ngày 27-7, thành phố Phoenix, bang Arizona ghi nhận ngày thứ 28 liên tiếp nhiệt độ trên 43,3 độ C.
Các chuyên gia khí tượng nhận định tần suất và cường độ ngày càng cao của thời tiết khắc nghiệt là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu toàn cầu đang thúc đẩy các hiện tượng cực đoan, với những đợt nắng nóng hiện tại dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 8-2023. Theo NWS, tháng 6-2023 là tháng nóng nhất được ghi nhận ở Mỹ kể từ năm 1850.
Trong khi đó, tháng 7-2023 đang được dự báo sẽ là tháng nóng nhất trên toàn cầu. Hàng nghìn khách du lịch đã phải di tản khỏi các khu vực cháy rừng giữa lúc nhiệt độ nóng như thiêu đốt ở Hy Lạp, trong khi nhiệt độ tại thị trấn Sanbao thuộc lưu vực Turpan của Tân Cương (Trung Quốc) tăng cao tới 52,2 độ C. Kết quả phân tích của Đại học Leipzig (Đức) được công bố hôm 27-7 cũng cho thấy, tháng 7-2023 sẽ phá vỡ các mức kỷ lục về nhiệt, với nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo cao hơn khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Theo dữ liệu từ Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ trung bình trong tháng 7-2023 dự kiến sẽ cao hơn ít nhất 0,2 độ C so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất trong vòng 174 năm.