Khát vọng, niềm tin Hà Nội bứt phá
Năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2021-2025 đã khép lại với nhiều khó khăn, thách thức. Dù nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ khó được như mong đợi nhưng trong bức tranh kinh tế-xã hội của Hà Nội vẫn có nhiều điểm sáng, thể hiện sự quyết liệt, trách nhiệm của chính quyền thành phố; Sự nỗ lực đồng lòng vượt khó của Nhân dân Thủ đô trong khó khăn.
Nhìn vào những điểm sáng khả quan ấy, mỗi người dân Thủ đô càng thêm tin tưởng, một năm mới Hà Nội sẽ có thật nhiều khởi sắc, niềm tin bứt phá
Ảnh minh họa |
Nhiều mảng màu sáng lạc quan
Hà Nội đã đi qua những ngày tháng khó khăn nhất trong năm qua với diễn biến hết sức phức tạp và khó lường của dịch COVID-19. Cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, đoàn thể, mặt trận đều căng sức, gồng mình. Các doanh nghiệp thì lao đao, hoạt động trong môi trường “3 tại chỗ” để cứu lấy sinh mệnh công ty và việc làm cho người lao động. Sau nửa năm, nhiều lĩnh vực đã ảnh hưởng nghiêm trọng như: Giải ngân đầu tư công; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; Du lịch; Vận tải hành khách và xe buýt; Vật liệu xây dựng; Dịch vụ…
Khôi phục và phát triển kinh, vực dậy các ngành nghề để đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm từng là câu hỏi khó đối với nhiều cấp, ngành TP. Với tinh thần quyết liệt, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa quyết tâm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản cụ thể, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn..
Trong đó, đáng kể, thực hiện Kế hoạch số 246 ngày 1/11/2021 của UBND TP về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, sản xuất kinh doanh của TP đang hồi phục khá nhanh.
Sản xuất kinh doanh của TP đang hồi phục khá nhanh. Ảnh minh họa |
Trong quý IV/2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tăng trưởng 6,69%, cả năm ước tăng 2,92%; Ước tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cả năm 2021 là 262.984 tỷ đồng, bằng 111,7% dự toán trung ương giao (104,6% dự toán thành phố giao); Chi ngân sách địa phương năm 2021 ước đạt 84.773,9 tỷ đồng (không thay đổi so với số đã ước đạt). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tăng 4,8% (năm 2020, tăng 4,7%); Kim ngạch xuất khẩu tháng 12 ước đạt 1.433 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố quý IV ước thực hiện 160.200 tỷ đồng, tăng 88% so với quý III và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Đến ngày 27/12/2021, toàn thành phố giải ngân vốn đầu tư công được 25.384,8 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch vốn thành phố giao và đạt 60,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Toàn thành phố giải ngân tăng thêm được 4.055,7 tỷ đồng so với ngày 30/11/2021.
Điểm sáng trong năm 2021 là sản xuất nông nghiệp phát triển tốt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năng suất lúa và giá trị cây ăn quả đạt khá. Diện tích gieo trồng lúa cả năm 2021 đạt 162.100ha, giảm 2,1% so với năm 2020 do một số địa phương chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp và các mô hình sản xuất khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất lúa ước đạt 60,7 tạ/ha, tăng 3,3% so với năm 2020. Diện tích trồng cây lâu năm ước đạt 23.200ha, tăng 0,3% so với năm trước; Cơ cấu các loại cây lâu năm tiếp tục chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản, cây cảnh có giá trị cao.
Một điểm sáng nữa là về công tác an sinh xã hội. Ảnh hưởng của đại dịch cũng khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhiều lao động bị mất việc hoặc phải nghỉ giãn việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Với sự đồng lòng của hệ thống chính trị, toàn TP đã giải quyết việc làm cho trên 179,6 nghìn lao động, đạt 110,0% kế hoạch năm. Trong đó đã hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 2,3 ngìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 52,4 nghìn lao động; Đưa 1,4 nghìn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... Tính đến ngày 22/12, thành phố đã hỗ trợ bằng tiền mặt và cho vay gần 5,3 triệu lượt đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 6.413 tỷ đồng.
Trong năm học 2020-2021, ngành giáo dục tiếp tục tổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy các giải pháp chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, hoàn thành kế hoạch đề ra, chất lượng giáo dục tiếp tục giữ vững. Các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì, phù hợp với điều kiện, diễn biến dịch COVID-19 song vẫn đảm bảo hiệu quả, nhất là phục vụ các sự kiện lớn của đất nước và TP.
Trong khó khăn, nông nghiệp Thủ đô vẫn có nhiều khởi sắc |
Đề ra các giải pháp và lộ trình vượt khó
Hơn bao giờ hết, những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của TP Hà Nội trong năm qua có ý nghĩa vô cùng tích cực, là nền tảng quan trọng để thành phố phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt từ 7 đến 7,5%, xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tại hội nghị giao ban công tác quý IV/2021 mới đây, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã yêu cầu các đơn vị phải quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt được đến ngày cuối, giờ cuối, phút cuối. Đồng thời, phải đề ra các giải pháp, lộ trình vượt khó trong bối cảnh hiện nay.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết: Bám sát dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và báo cáo của các Sở, ban, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo chương trình hành động của UBND thành phố, nội dung chủ yếu gồm: 6 trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành năm 2022; 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022; Danh mục 107 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và chỉ tiêu không đạt kế hoạch năm 2021; Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế.
Cùng đó, TP sẽ phát triển văn hóa, xã hội; Thông tin và truyền thông; Giáo dục và đào tạo; Khoa học và công nghệ; Bảo đảm sức khỏe cộng đồng và an sinh, phúc lợi xã hội... Thành phố tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường kỷ cương hành chính; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tích cực thông tin tuyên truyền, nâng cao công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội...
Năm cũ khép lại, năm mới mở ra. Dù khó khăn vẫn còn nhiều bởi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường song những mảng màu sáng trong bức tranh kinh tế- xã hội của Thủ đô vẫn sẽ được “tô” thắm thêm, lan rộng hơn, bởi sự quyết tâm và đồng lòng của toàn thành phố.