EU rút ưu đãi, áp thuế trở lại hàng hóa Ukraina
EU chuẩn bị áp thuế trở lại đối với các mặt hàng nông sản Ukraina sau khi chính sách miễn thuế hiện tại kết thúc vào ngày 6.6.
Kiểm tra tàu chở ngũ cốc Ukraina ở eo biển Bosphorus, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 3.8.2022. Ảnh: Xinhua
Theo nguồn tin ngoại giao từ Financial Times, đây được xem là bước lùi đáng kể trong chính sách hỗ trợ Ukraina kể từ sau khi xung đột với Nga leo thang năm 2022. Khi đó, EU đã đình chỉ mọi loại thuế và hạn ngạch đối với hàng hóa xuất khẩu từ Ukraina trong khuôn khổ cơ chế “Biện pháp thương mại tự chủ” (ATM).
Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến của nông sản giá rẻ từ Ukraina đã gây ra làn sóng bất bình trong nông dân các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, nơi nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra để phản đối hàng ngoại tràn vào.
Theo tiết lộ từ Financial Times, chính phủ Ba Lan đã yêu cầu EU hoãn các cuộc đàm phán thương mại nhạy cảm với Ukraina cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan vào ngày 18.5, nhằm giảm thiểu lợi thế tranh cử cho ứng viên đối lập mang khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa - ông Karol Nawrocki.
Ông Nawrocki, người đang đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò, là ứng cử viên của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) theo đường lối bảo thủ, đã tận dụng sự bất mãn của nông dân để chỉ trích việc Ukraina gia nhập EU và NATO, cũng như phản đối mạnh mẽ hàng nông sản giá rẻ từ Kiev.
Trước áp lực chính trị ngày càng lớn, Ủy ban châu Âu đang soạn thảo một cơ chế “chuyển tiếp” sẽ thay thế cho chế độ miễn thuế hiện tại nếu các cuộc đàm phán thương mại không thể hoàn tất trước ngày 5.6.
Tuy nhiên, thay vì dừng hẳn các ưu đãi, bản đề xuất mới sẽ “cắt giảm mạnh” các hạn ngạch miễn thuế cho một số mặt hàng nông sản chủ chốt như ngô, thịt gia cầm, lúa mì và đường.
Theo đó, hạn ngạch miễn thuế đối với ngô sẽ bị cắt giảm mạnh từ 4,7 triệu tấn xuống còn 650.000 tấn/năm. Tương tự, hạn ngạch thịt gia cầm sẽ giảm từ hơn 57.000 tấn xuống còn 40.000 tấn; đường từ 109.000 tấn xuống còn 40.700 tấn.
Tàu chở ngũ cốc từ Ukraina đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7.8.2022. Ảnh: Xinhua
Trước đó, một cơ chế “phanh khẩn cấp” cũng đã được EU kích hoạt cho phép tái áp thuế đối với các sản phẩm như trứng, mật ong, yến mạch, ngô, đường và gia cầm nếu lượng nhập khẩu vượt mức trung bình các năm trước.
Phản ứng trước thông tin này, phía Ukraina ước tính việc chấm dứt cơ chế miễn thuế hiện tại có thể khiến ngân sách nước này thất thu khoảng 3,5 tỉ euro (tương đương 3,9 tỉ USD) mỗi năm - một đòn giáng nặng giữa lúc Kiev đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nông sản để duy trì nền kinh tế trong giai đoạn xung đột với Nga.
Trong bối cảnh đó, cả Kiev và Brussels đều mong muốn đàm phán thành công một hiệp định thương mại tự do dài hạn mang tên Hiệp định khu vực thương mại tự do sâu rộng và toàn diện (DCFTA). Tuy nhiên, những tranh cãi nội bộ trong EU, đặc biệt là từ các nước thành viên phía Đông, đang khiến tiến trình này giậm chân tại chỗ.
Tình thế hiện tại đặt EU vào thế khó xử - một mặt là cam kết ủng hộ Ukraina cả về chính trị và kinh tế, mặt khác là làn sóng phản ứng dữ dội từ cử tri trong khối, đặc biệt là những người sống bằng nông nghiệp.
Sự điều chỉnh chính sách thuế lần này có thể là cách Brussels “vừa đấm vừa xoa” - hạn chế thiệt hại cho Ukraina nhưng cũng xoa dịu bức xúc trong nội bộ.