EU bất ngờ rút trừng phạt khí đốt Nga
Liên minh châu Âu (EU) vừa rút lại kế hoạch cấm nhập khẩu khí đốt Nga hóa lỏng LNG trong gói trừng phạt thứ 17 sắp công bố.
Molikpaq là giàn khai thác khí đốt Nga hóa lỏng (LNG) ngoài khơi đầu tiên của Nga. Ảnh: Sakhalin Energy Limited
Một quan chức EU giấu tên nói với Reuters, việc loại bỏ trừng phạt khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga xuất phát từ 3 yếu tố chính: thiếu đồng thuận giữa các quốc gia thành viên, chưa có phương án thay thế nguồn cung ổn định khí đốt Nga, và đặc biệt là nỗi lo mất “quân bài” mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Hiện EU đang tìm cách sử dụng năng lượng - bao gồm cả LNG Nga - như một đòn bẩy nhằm thuyết phục Mỹ gỡ bỏ thuế quan đánh vào thép và nhôm EU.
Mức thuế 25% do Tổng thống Donald Trump áp đặt đã được tái kích hoạt từ tháng 2 năm nay, nhưng tạm hoãn thực thi trong 90 ngày để tạo cơ hội đàm phán.
Cuộc gặp giữa Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic và giới chức Mỹ tại Washington tuần trước được mô tả là “giai đoạn khảo sát”. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra yêu cầu rõ ràng, khiến quá trình đàm phán bị đánh giá là chưa định hình.
Thực tế, dù EU đã cắt giảm mạnh nhập khẩu khí đốt qua đường ống dẫn khí từ Nga kể từ năm 2022, nhưng nhập LNG từ Mátxcơva lại gia tăng. Theo Viện Phân tích Kinh tế Năng lượng (IEEFA), trong năm 2024, Nga chiếm tới 17,5% nguồn LNG của EU, chỉ sau Mỹ (45,3%).
Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ hiện vẫn là 3 quốc gia nhập khẩu LNG Nga lớn nhất, chiếm tới 85% tổng khối lượng Nga xuất sang châu Âu.
Trước đó, ý tưởng cấm LNG Nga từng được đưa ra trong quá trình xây dựng gói trừng phạt thứ 16, nhưng đã bị gạt bỏ sau những tranh cãi gay gắt vào tháng 1.2025.
Cùng lúc, Ủy ban châu Âu vẫn đang xúc tiến lộ trình chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga trước năm 2027, với kế hoạch dự kiến công bố vào đầu tháng 5 tới.
Ở chiều ngược lại, Nga không tỏ ra nao núng. Thứ trưởng Năng lượng Pavel Sorokin khẳng định trong sự kiện Tuần lễ Năng lượng Ấn Độ rằng Nga vẫn đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu LNG, nhắm đến những thị trường thân thiện như Ấn Độ.
Ông nhấn mạnh: “Giá cả cạnh tranh là lợi thế lớn của chúng tôi. Nga sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác bất chấp áp lực từ phương Tây”.
Việc EU lùi bước trong lệnh cấm LNG Nga không chỉ là tín hiệu về một châu Âu đang “cân não” giữa an ninh năng lượng và sức ép địa chính trị, mà còn phơi bày thực tế rằng EU vẫn cần Nga trên bàn đàm phán, dù bằng một con đường vòng.