Đi chu du khắp thế giới, cô gái vẫn kiếm gần 100 triệu đồng mỗi tháng
Cô gái 29 tuổi đã đi khắp thế giới và bắt đầu làm việc từ xa kể từ năm 2019.
Theo tờ Insider, năm 2019, Michelle Checchi bắt đầu rời Mỹ và lên đường bắt đầu hành trình khám phá thế giới. Cô chỉ định đi trong vài tháng, đến khi nào khoản tiền tiết kiệm cạn kiệt thì sẽ quay về.
Thế nhưng, đến nay, sau hơn 3 năm rong ruổi khắp nơi, Checchi vẫn tiếp tục chuyến du lịch chưa có điểm dừng. Hơn thế nữa, cô vẫn kiếm được 4.000 USD (khoảng 94 triệu VNĐ) nhờ làm việc từ xa, với tư cách một nhà văn tự do và nhà sản xuất video. Cô chỉ làm việc 15 đến 30 giờ mỗi tuần.
Cô gái 29 tuổi giàu nhiệt huyết nói: “Thay vì chỉ cảm thấy bị mắc kẹt ở một nơi, tôi sống trong một môi trường quốc tế dành cho mình, nơi tôi vẫn là một khách du lịch và chỉ là một vị khách mà thôi".
Checchi nằm trong số ngày càng nhiều nhóm người du mục kỹ thuật số (digital nomad), hay còn gọi là những người làm việc từ xa kết hợp du lịch.
Hơn 15 triệu người Mỹ tự gọi mình là những người du mục kỹ thuật số, tăng 42% so với năm 2020 và 112% so với năm 2019, theo số liệu nghiên cứu về Tình trạng Độc lập năm 2021 của MBO Partners.
Thúc đẩy xu hướng này là tính linh hoạt ngày càng tăng của hình thức làm việc từ xa, khao khát được khám phá thế giới và mong muốn cắt giảm chi phí. 3 yếu tố khiến số lượng người du mục kỹ thuật số ngày càng tăng nhanh chóng.
Tính đến tháng 6, hơn 25 quốc gia đã giới thiệu các chương trình thị thực du mục kỹ thuật số nhằm thu hút những người lao động làm việc từ xa và ví tiền của họ.
Tạp chí Dân số Thế giới cho biết chỉ có 2 quốc gia - Bermuda và Thụy Sĩ - có chi phí sinh hoạt cao hơn Thành phố New York, nơi Checchi lớn lên. Đối với cô, sống ở nước ngoài là một cách tiết kiệm tiền chi tiêu.
Kiếm nhiều tiền hơn bao giờ hết
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2015, Checchi vốn rất yêu thích công việc của mình với tư cách là một phóng viên cho trang tin tức địa phương trong 4 năm. Tuy nhiên, trong sâu thẳm đáy lòng, cô gái trẻ luôn có một khao khát là "đi du lịch và trải nghiệm tự do".
Vào tháng 9 năm 2019, cô đã bán hầu hết tài sản của mình, lái xe khắp đất nước và đáp chuyến bay một chiều đến Tel Aviv, Israel.
Trong những tháng đầu tiên ở nước ngoài, Checchi đã đặt chân tới Cộng hòa Síp, Ấn Độ và Nepal. Ở đây, cô cố gắng tiết kiệm tiền tiết kiệm càng lâu càng tốt. Nhưng sau khoảng 3 tháng, khi có vẻ như niềm vui sắp kết thúc, Checchi nảy ra một ý tưởng: "Điều gì sẽ xảy ra nếu mình tìm ra cách kiếm tiền khi làm việc từ xa?". Cô bắt đầu tìm kiếm để có hợp đồng viết lách tự do.
"Tôi đã nghĩ rằng 'nếu mình kiếm một công việc toàn thời gian, nó sẽ khiến mình phải gắn chặt với một nơi'. Tôi thực sự muốn tạo ra một phong cách sống mà tôi có thể duy trì sự độc lập về nơi ở của mình", Checchi nói.
Mặc dù Checchi đã tìm được một số công việc, nhưng ban đầu tiền thù lao không nhiều, chỉ vài trăm USD. Nó không đủ để cô quay trở lại Mỹ trong thời gian dài.
Nhưng dần dần, Checchi đã thiết lập được quy trình làm việc hoàn hảo. Sau khoảng 6 tháng, cô đã kiếm được số tiền bằng với công việc phóng viên trước đó. Cô được trả khoảng 50.000 USD mỗi năm (gần 1,2 tỷ đồng).
Vài tháng sau, cô đã vượt qua mức lương cũ của mình, phá vỡ mức thu nhập 10.000 USD (khoảng 235 triệu đồng) trong vài tháng, bao gồm cả 17.000 USD (khoảng 400 triệu đồng) vào tháng 6 vừa qua khi cô sản xuất video tại chỗ cho một hội nghị.
Checchi cũng có hơn 68.000 người theo dõi trên TikTok – nơi cô đăng các mẹo và thông tin du lịch. Checchi cho biết cô từng tự hỏi làm thế nào những người du mục kỹ thuật số có thể trang trải được cuộc sống của họ.
"Tôi thực sự ngạc nhiên", cô nói. "Tôi cảm thấy yên tâm vì cách làm này có thể bền vững".
Trong khi tiếp tục viết nội dung tự do, Checchi bắt đầu nghiêng nhiều hơn về việc sản xuất video. Mặc dù khách hàng của cô khá đa dạng, nhưng cô thường quay phim và sản xuất nội dung cho các công ty trong ngành du lịch. Các dự án thường trả chi phí cho chuyến đi của cô.
Checchi cho biết thật kỳ lạ khi nhìn lại quãng thời gian làm sản xuất tin tức ở địa phương, khi đó, cô cảm thấy kỹ năng của mình không thể giúp ích ở bất kỳ nơi nào khác.
"Giờ đây, tôi có thể làm được rất nhiều điều với các kỹ năng của mình. Đó là khi bạn nghĩ xa hơn một chút", cô nói.
Những thách thức của cuộc sống du mục
Khi Checchi không đi du lịch, cô có một địa điểm dừng chân cố định tại thành phố Tel Aviv (Israel). Cô lựa chọn nơi này một phần vì khả năng tiếp cận với cả châu Âu và châu Á. Trong khi Tel Aviv có thể là một nơi khá đắt đỏ để sinh sống thì Checchi phải trả 871 USD mỗi tháng để thuê một căn hộ với một cặp vợ chồng.
Cô thường cho thuê lại phòng của mình khi đi du lịch trong một thời gian dài. Checchi thường thích ở trong ký túc xá và phòng Airbnb. Điều này giúp cô duy trì khoản chi tiêu cho nhà ở hàng tháng là khoảng 900 USD. Đó là một khoản tiết kiệm lớn so với giá thuê trung bình là 3.100 USD cho một căn hộ studio ở New York, nơi cô sống trước đây.
Vé máy bay là chi phí lớn nhất của Checchi, nhưng vì cô không thường xuyên vượt Đại Tây Dương để trở về thăm gia đình nên cô có thể đi du lịch từ nơi này sang nơi khác với giá tương đối phải chăng.
Ngoài ra còn có nhiều cạnh tranh hơn trong ngành hàng không của châu Âu so với ở Mỹ, điều này giúp giá các chuyến bay của cô thấp hơn.
Nhưng không phải tất cả mọi thứ đều là hoa hồng. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Checchi trở về Mỹ và ở cùng gia đình tại Staten Island, New York một thời gian.
Bên cạnh đó, việc đi du lịch khắp nơi khiến Checchi không được gặp gia đình thường xuyên. Hiện tại, cô đang cố gắng trở về Mỹ 3-4 tháng một lần. Những chi phí chuyến bay này không rẻ, nhưng cô nói rằng chúng rất xứng đáng và nếu cần, cô có thể tìm việc làm thêm để bù đắp.
Trong khi những người bạn thân nhất ở Mỹ, Checchi còn có bạn "ở khắp mọi nơi", đồng thời cô cho biết thêm rằng đi du lịch một mình là "cách tuyệt vời để gặp gỡ những người mới".
Mặc dù Checchi không nghĩ rằng lối sống du mục là dành cho tất cả mọi người, nhưng cô không có kế hoạch từ bỏ nó sớm: "Tôi đang sống cho chính mình vào thời điểm này trong cuộc đời".