Chính phủ Pháp kiên định với vấn đề tăng tuổi hưu

Bất chấp làn sóng biểu tình và đình công kéo dài, Chính phủ Pháp vẫn quyết tâm thực thi luật cải cách hưu trí đang gây tranh cãi.

Reuters đưa tin, ngày 28-3, Chính phủ Pháp bác bỏ yêu cầu từ các công đoàn về việc cân nhắc lại luật cải cách hưu trí, đồng thời tuyên bố sẵn sàng thảo luận về những thay đổi chính sách khác nhưng không xem xét lại vấn đề tăng tuổi hưu.

Tuyên bố trên được chính quyền Paris đưa ra trong bối cảnh Liên đoàn Dân chủ Việc làm Pháp (CFDT)-một trong những công đoàn lớn nhất tại Pháp-cùng một số công đoàn khác đang kêu gọi Tổng thống nước này Emmanuel Macron đình chỉ luật cải cách hưu trí, đồng thời đề nghị sử dụng các bên hòa giải bên ngoài vì Chính phủ và công đoàn chưa có tiếng nói chung trong vấn đề này. “Chúng tôi đã đề xuất một lối thoát cho vấn đề trên nhưng không thể ngờ lại bị cản trở”, Reuters dẫn lời lãnh đạo CFDT Laurent Berger nhấn mạnh.

Người dân Pháp xuống đường tuần hành phản đối vấn đề cải cách hưu trí tại Paris vào ngày 28-3. Ảnh: AP 

Trước đó một ngày, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cũng thông báo sẽ tiến hành thảo luận với các công đoàn vào đầu tuần tới nhằm xem xét những biện pháp giảm bớt tác động của luật cải cách hưu trí đối với các công việc đòi hỏi thể chất, điều kiện cho người lao động lớn tuổi và quá trình đào tạo lại, qua đó giảm bớt những lo ngại của người lao động phản đối luật này.

Kể từ giữa tháng 1 vừa qua, hàng triệu người dân Pháp đã tổ chức biểu tình và tham gia đình công nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi hưu của Tổng thống Emmanuel Macron. Thậm chí, các cuộc biểu tình gia tăng đáng kể sau khi Chính phủ sử dụng quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện.

Theo Reuters, Bộ Nội vụ Pháp thống kê cuộc biểu tình mới nhất trên toàn quốc diễn ra vào ngày 28-3 thu hút khoảng 740.000 người tham gia. Đây là cuộc biểu tình thứ 10 từ khi làn sóng tương tự bắt đầu nổ ra vào giữa tháng 1 vừa qua nhằm phản đối phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi hiện nay lên 64 tuổi cho đến năm 2030. Làn sóng mới này một lần nữa gây ra các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Đơn cử, tại thủ đô Paris, cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay để kiểm soát đám đông biểu tình. Những vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại các thành phố khác như Rennes, Bordeaux, Toulouse... Thậm chí tại Nantes, người biểu tình còn đốt phá trước chi nhánh Ngân hàng BNP Paribas và phóng hỏa nhiều ô tô. Cảnh sát đã bắt giữ một số người biểu tình quá khích. Tuy nhiên, Reuters đánh giá số vụ đụng độ trong quá trình biểu tình lần này ít hơn tuần trước khi phần lớn người dân xuống đường với thái độ ôn hòa. 

Trong khi đó, CNN dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết, chính quyền đã triển khai tới 13.000 cảnh sát trên toàn quốc, trong đó chỉ riêng Paris đã là 5.500 người, nhằm bảo đảm trật tự trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp diễn. Đây là mức cao kỷ lục về số nhân viên an ninh được huy động để ứng phó với biểu tình tại đất nước hình lục lăng.

Việc Tổng thống Macron kiên quyết theo đuổi cải cách hưu trí-một trong những trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử của mình vào năm 2022 với mục tiêu ngăn hệ thống lương hưu rơi vào tình trạng thâm hụt trong những năm tới-còn ảnh hưởng đến sự ủng hộ của người dân đối với ông. AFP dẫn kết quả cuộc khảo sát do tổ chức thăm dò dư luận Odoxa của Pháp công bố ngày 28-3 cho biết, chỉ 30% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống Macron, giảm 6 điểm phần trăm sau một tháng. Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Pháp gần chạm mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận vào cuối năm 2018 khi phong trào biểu tình “Áo vàng” nổ ra (27%).

Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết