Châu Âu trước nguy cơ mất hỗ trợ phần mềm quân sự từ phía Mỹ

Việc phụ thuộc đáng kể vào công nghệ quốc phòng Mỹ khiến châu Âu lo ngại về tương lai chiến lược tự chủ.

Châu Âu trước nguy cơ mất hỗ trợ phần mềm quân sự từ phía Mỹ

Hệ thống phòng không Patriot nổi tiếng của Mỹ. Ảnh: Xinhua

Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nguy cơ bị Mỹ cắt nguồn cập nhật phần mềm quan trọng cho các thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, theo một bài viết trên một tờ báo lớn của Mỹ, được RT dẫn lại.

Nỗi lo này xuất phát từ sự không chắc chắn liên quan đến tương lai của NATO và chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dù đã cam kết đầu tư gần 14.000 tỉ euro cho quốc phòng trong thập niên tới, châu Âu vẫn thiếu nền tảng công nghệ để đáp ứng tham vọng đó. Ủy ban châu Âu gần đây đã cho phép sử dụng khoảng 335 tỉ euro từ quỹ phục hồi sau đại dịch cho mục đích quân sự và ra mắt quỹ nợ trị giá 150 tỉ euro nhằm hỗ trợ các nỗ lực phòng vệ.

Ukraina cũng được tiếp cận các khoản tài trợ này như các quốc gia thành viên EU. Nga đã chỉ trích các bước đi trên, coi đó là hành động thù địch của châu Âu.

Tuy nhiên, tờ báo Mỹ này nhận định, EU hiện vẫn chưa có khả năng tự phát triển những hệ thống quân sự tiên tiến thay thế các công nghệ do Mỹ cung cấp, như tiêm kích tàng hình F-35 với giá khoảng 80 triệu USD mỗi chiếc.

Việc phụ thuộc lớn vào nền tảng Mỹ - từ hệ thống phòng thủ tên lửa, bệ phóng tên lửa đến các công cụ chiến tranh mạng - khiến EU phải dựa vào các bản cập nhật phần mềm định kỳ từ phía Washington.

Một số quan chức lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ ngừng cung cấp các bản cập nhật thiết yếu này, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump đang nối lại quan hệ với Nga và thể hiện sự nghi ngờ về các cam kết NATO.

Trong khi các thành viên NATO đã thống nhất dành 3,5% ngân sách cho chi tiêu quân sự cốt lõi cùng 1,5% cho các lĩnh vực như an ninh mạng và cơ sở hạ tầng dân sự, câu hỏi về sự độc lập chiến lược của EU vẫn còn bỏ ngỏ.

Những lo ngại này trở nên cấp thiết hơn sau khi chính quyền Tổng thống Trump đình chỉ việc chuyển giao một số vũ khí cho Ukraina, buộc các nước EU phải bù đắp phần thiếu hụt. Nga đã hoan nghênh động thái này và cho rằng đó có thể là bước đệm dẫn tới chấm dứt xung đột.

Cuộc tranh luận nội bộ EU về việc nên xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng riêng hay tiếp tục lệ thuộc vào công nghệ Mỹ vẫn đang tiếp diễn. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, dù muốn tăng cường tính tự chủ, châu Âu khó có thể sớm thoát khỏi sự chi phối về công nghệ quân sự từ Washington.

Lượt xem: 2
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...