Anh và Bangladesh ký thỏa thuận về di cư
Những người xin tị nạn không thành công sẽ bị trục xuất trở lại Bangladesh theo một thỏa thuận giữa quốc gia này với Anh, trong bối cảnh người mang quốc tịch Bangladesh bị đánh giá là một trong những trường hợp lạm dụng thị thực nghiêm trọng nhất.
Năm 2023, gần 11.000 người Bangladesh vào Anh bằng thị thực sinh viên, lao động hoặc du lịch chỉ để nộp đơn xin tị nạn nhằm mục đích ở lại.
Để ứng phó tình trạng này, Bộ Chống di cư bất hợp pháp Anh đã ký kết một thỏa thuận với Bangladesh, liên quan đến những người không được cấp phép tị nạn và các trường hợp đã hết hạn thị thực.
Thỏa thuận sẽ hợp lý hóa quy trình trục xuất bằng cách loại bỏ phỏng vấn bắt buộc đối với những trường hợp đã có bằng chứng ủng hộ quyết định trục xuất của nhà chức trách. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình trục xuất sẽ được rút ngắn.
Bộ trưởng Chống Di cư bất hợp pháp Michael Tomlinson đánh giá, việc đẩy nhanh quy trình trục xuất là một phần quan trọng trong kế hoạch của Anh nhằm ngăn chặn tình trạng cư bất hợp pháp.
Theo Telegraph, thị thực Anh thường có thời hạn vài tháng nhưng người xin tị nạn có khả năng sẽ ở lại quốc gia này vô thời hạn do Bộ Nội vụ nước này phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc trục xuất, bao gồm cả vấn đề nhân quyền.
Trong năm tính đến tháng 3-2023, Anh ghi nhận kỷ lục 21.525 đơn xin tị nạn từ những người được cấp thị thực, tương đương mức tăng 154% mỗi năm. Trong thập kỷ qua, hơn 102.000 trường hợp đã nộp đơn xin ở lại sau khi được phép nhập cảnh tạm thời.
Trong số những quốc gia có số người xin tị nạn ở Anh lớn nhất, Pakistan và Bangladesh dẫn đầu với lần lượt gần 17.400 và 11.000 trường hợp. Tiếp theo là Ấn Độ (7.400), Nigeria (6.600) và Afghanistan (6.000).
Năm ngoái, 26.000 người không được phép ở Anh đã bị trục xuất về nước, tăng 74% so với năm 2022.
Những nỗ lực của Bộ Nội vụ Anh nhằm giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp trên toàn quốc đã dẫn đến số vụ bắt giữ tăng hơn gấp đôi. Kế hoạch Rwanda, được Quốc hội Anh thông qua ngày 25-4, sẽ ngăn cản người di cư thực hiện hành trình nguy hiểm qua eo biển Manche và bảo đảm những trường hợp đến quốc gia này theo con đường bất hợp pháp sẽ không thể ở lại.