An ninh lương thực toàn cầu thêm bấp bênh
Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, việc Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn đang làm dấy lên những mối lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu.
Theo hãng tin CNBC, các nhà phân tích cho rằng đây là một đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực toàn cầu. Giá lúa mì, ngô, đậu tương đồng loạt tăng sau khi Nga thông báo quyết định không gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
Ông Simon J.Evenett, chuyên gia về thương mại toàn cầu và là giáo sư kinh tế tại Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ), nhận định: “Sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc là một đòn giáng mạnh đối với các quốc gia tìm nguồn cung ứng lúa mì rẻ hơn của Ukraine”. Trong khi đó, nhà phân tích Peter Ceretti của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho rằng trong ngắn hạn, việc Moscow dừng tham gia thỏa thuận có thể sẽ không kích hoạt một đợt lạm phát lương thực toàn cầu.
“Tuy nhiên, trong tương lai, việc kết thúc thỏa thuận ngũ cốc sẽ làm tăng thêm áp lực lên giá lương thực, bên cạnh các vấn đề như hạn hán ở châu Âu và sự trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino. Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự sụp đổ của thỏa thuận sẽ là các quốc gia ở Bắc Phi và khu vực phía Đông Địa Trung Hải vốn nhập khẩu khối lượng lớn ngũ cốc từ Biển Đen”, ông Ceretti nhấn mạnh.
Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp ngũ cốc, dầu hướng dương và các loại thực phẩm khác trên toàn cầu mà các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào. Theo AP, xung đột Nga-Ukraine khiến giá lương thực tăng cao kỷ lục vào năm ngoái, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vốn liên quan đến biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và các cuộc xung đột khác.
Máy gặt hoạt động trên cánh đồng lúa mì ở Ukraine. Ảnh: Anadolu |
Trước tình hình này, tháng 7-2022, Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của nước này ra thị trường thế giới, còn Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ nước này qua Biển Đen.
Sáng kiến ban đầu có thời hạn 120 ngày và sau đó được gia hạn 3 lần. Theo lần gia hạn gần nhất, thỏa thuận ngũ cốc hết hiệu lực vào ngày 17-7. Chỉ vài giờ trước khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hạn, Nga tuyên bố không gia hạn thỏa thuận. Theo TASS, Thư ký báo chí Dmitry Peskov của Tổng thống Nga nêu rõ quyết định này được đưa ra là do một phần của thỏa thuận liên quan đến nước này vẫn chưa được thực hiện.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho hay, Moscow sẽ rút lại các bảo đảm về an toàn hàng hải cho các tàu chở hàng cũng như thu hẹp hành lang nhân đạo trên Biển Đen. Tuy nhiên, nếu một phần của thỏa thuận liên quan đến Nga được thực hiện, Moscow sẽ ngay lập tức quay lại thực hiện thỏa thuận.
Quyết định của Nga không quá gây bất ngờ khi trước đó, Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận trừ khi các yêu cầu liên quan đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón được đáp ứng.
Ông Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại ngân hàng Rabobank của Hà Lan nhận định, dù các nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho việc thỏa thuận ngũ cốc bị hủy bỏ, động thái của Nga vẫn là một đòn giáng vào thị trường lương thực.
Ông Mera cho biết: “Ukraine rồi sẽ buộc phải xuất khẩu hầu hết các loại ngũ cốc và hạt có dầu của mình qua biên giới đất liền và các cảng trên sông Danube. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển và gây thêm áp lực lên lợi nhuận của nông dân Ukraine. Hiệu ứng dây chuyền của việc này là nông dân Ukraine có thể trồng ít hơn trong mùa tới, gây thêm áp lực lên nguồn cung trong tương lai”.
Theo dữ liệu của LHQ, kể từ khi được ký kết, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã cho phép hơn 32 triệu tấn lương thực được xuất khẩu từ 3 cảng của Ukraine ở Biển Đen đến 45 quốc gia trên thế giới. Khi hoạt động sản xuất và cung cấp lương thực trên thế giới bị gián đoạn do xung đột, biến đổi khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác, thỏa thuận ngũ cốc đã góp phần hạ giá lương thực hơn 23% kể từ tháng 3-2022.
Những con số trên chính là lý do khiến Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng thỏa thuận ngũ cốc là cứu giúp cho an ninh lương thực toàn cầu và “ngọn hải đăng hy vọng” trong một thế giới đầy khó khăn.
Theo Tân Hoa xã, tại cuộc họp báo mới đây, ông Guterres đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Moscow, đồng thời khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm thực phẩm và phân bón từ cả Ukraine và Nga tiếp cận thị trường thế giới với mục tiêu hàng đầu là ổn định giá và bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Trong khi đó, Đại hội đồng LHQ cũng kêu gọi các bên liên quan quay trở lại đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc.