20 năm nữa, người Trung Quốc không còn đi chúc Tết họ hàng

Dự đoán trên được đưa ra bởi một blogger, nhanh chóng nhận được sự đồng tình, nhưng đặc biệt nó gây lo ngại về vấn đề nhân khẩu học ở đất nước tỷ dân.

Đa số người trưởng thành thuộc thế hệ 8X, 9X ở Trung Quốc là con một. Ảnh minh họa: VCG.

Sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán đầu tiên kể từ khi Trung Quốc mở cửa hậu đại dịch, dân mạng xứ tỷ dân đã bị thu hút bởi một chủ đề trên Weibo: "Sẽ không ai đi thăm họ hàng sau 20 năm nữa".

"20 năm tới, những người sinh ra trong thập niên 1980 và 1990 sẽ trở thành chủ gia đình. Vì những người này đa số là con một, không có anh chị em, ít người thân thích, họ chắc chắn sẽ không thích đi thăm họ hàng nữa", chủ bài đăng chia sẻ.

Bài đăng trên đã gây sốt, thu hút hơn 340 triệu lượt xem và 19.000 bình luận. Nó khiến nhiều người thấy tiếc nuối cho tương lai của một khía cạnh quan trọng trong ngày Tết Nguyên đán: đoàn tụ gia đình.

Truyền thống về quê để tổ chức cuộc hội ngộ hoành tráng của nhiều thế hệ vẫn được duy trì trên khắp Trung Quốc, mặc dù có nhiều trở ngại do 3 năm đại dịch, bị kìm hãm bởi phong tỏa nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, năm nay, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, dự kiến ​​mọi người sẽ thực hiện khoảng 2,1 tỷ chuyến du lịch trong nước từ đầu tháng 1 đến giữa tháng 2, với hơn một nửa số chuyến đi là để đoàn tụ gia đình.

Nhiều người dùng Weibo buồn bã cho rằng truyền thống đó sẽ không tồn tại lâu.

"20 năm nữa, phần lớn thế hệ già sẽ ra đi, lớp trẻ trong gia đình sẽ không còn thân thiết với nhau. Vì vậy, họ sẽ dần dần cắt đứt liên lạc và không đến thăm vào dịp lễ", một blogger viết.

chuc tet ho hang anh 1

Mỗi dịp Tết, làn sóng người dân về quê ăn Tết tạo nên một cuộc "di cư" khắp Trung Quốc. Ảnh minh họa: VCG.

Cuộc khủng hoảng sinh đẻ

Dù mang tính suy đoán, quan điểm trên nhấn mạnh những thay đổi lớn về nhân khẩu học đang ngày càng căng thẳng ở Trung Quốc. Đầu tháng 1, quốc gia này đã công bố mức giảm dân số đầu tiên sau 60 năm, sau nhiều thập kỷ được coi là một cường quốc về tăng trưởng, theo The Washington Post.

Tỷ lệ kết hôn và sinh con đang giảm mạnh, và Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, dự kiến có 400 triệu người trên 60 tuổi vào năm 2040.

Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cộng thêm nhiều năm theo chính sách một con, người dùng Weibo hình dung kiểu cư dân thành phố bị cô lập khỏi đại gia đình sẽ không chỉ tăng về số lượng mà còn trở thành tiêu chuẩn trong 20 năm nữa.

"Họ đều sống cuộc sống của riêng mình, và cảnh nhộn nhịp về quê ăn Tết ở quê như thế này sẽ không kéo dài được lâu", một người viết.

Không phải tất cả dân mạng tham gia chủ đề này đều mang tới ý kiến cam chịu và cảm xúc u ám. Một blogger đề xuất một lý thuyết lạc quan hơn.

"Những người bạn thân thiết với nhau vẫn sẽ đi du lịch trong năm mới và chủ động liên lạc với nhau để vui chơi", "Ranh giới giữa bạn bè và gia đình sẽ ngày càng mờ nhạt hơn", họ nói thêm.

 

Khó giải quyết

Một số nhà bình luận và nhà nhân khẩu học kêu gọi chính phủ thực hiện một chiến dịch toàn diện nhằm khuyến khích người dân sinh đẻ nhiều hơn. Nhưng một số chuyên gia khác cho rằng đó không phải giải pháp hữu hiệu, thậm chí còn gây thêm áp lực cho phụ nữ khi phải ưu tiên con cái hơn sự nghiệp, The Guardian viết.

Một cuộc khảo sát trực tuyến vào năm 2022 với hơn 20.000 người, chủ yếu là phụ nữ thành thị từ 18 đến 25 tuổi, cho thấy 2/3 số người được hỏi gần như không khao khát việc có con.

#thelastgeneration bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong các bài đăng có gắn hashtag này, nhiều người trẻ nói rằng họ không muốn sinh con, tuyên bố mình là "thế hệ cuối cùng".

Kongkong, nhà nghiên cứu 26 tuổi, người tuyên bố sẽ không có con, nói rằng sẽ tốn kém quá nhiều nếu muốn mang lại cho con trẻ một cuộc sống tử tế.

"Tôi đã mua một chiếc áo phông có dòng chữ 'We are the last generation' trên đó. Tôi không thể đưa một đứa trẻ đến với thế giới này để nó phải chịu đau khổ", Kongkong nói.

Eunice, gia sư tiếng Anh 34 tuổi, cho biết: "Đại dịch mang đến cảm giác bất an mạnh mẽ. Có con không phải là điều tôi đang cân nhắc hiện tại".

"Sinh thêm con sẽ không làm tăng năng suất, cũng không sửa chữa được hệ thống lương hưu. Sinh thêm con càng không làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên", Stuart Gietel-Basten, học giả tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết.

Thay vào đó, ông đề xuất một giải pháp khả thi hơn. Theo ông Gietel-Basten, Trung Quốc cần tăng nỗ lực cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, lương hưu và chăm sóc sức khỏe.

Tuy vậy, Yun Zhou, một nhà xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết nhiều phụ nữ thành thị nhận ra một công việc tạo ra thu nhập "đồng nghĩa với sự độc lập, theo đuổi chủ nghĩa cá nhân và xây dựng cuộc sống cho riêng họ".

Môi trường giáo dục siêu cạnh tranh là một yếu tố khác ngăn cản các gia đình sinh em bé. Năm 2019, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc là 485.000 NDT vào năm 2019. Con số này cao gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người của nước này, và gấp nhiều lần các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức và Nhật Bản.

Chi phí nuôi dạy trẻ thậm chí còn cao hơn ở các thành phố lớn, lên tới hơn 1 triệu NDT tại Thượng Hải và 969.000 NDT ở Bắc Kinh.

Lượt xem: 6
Tác giả: Đinh Phạm
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...