“Phao cứu sinh” của người lao động nghèo Ấn Độ trong nắng nóng

Ánh mặt trời chói chang chiếu xuống khu chợ rộng lớn ở thành phố Ahmedabad thuộc bang Gujarat (Ấn Độ), nơi bà Kamlaben Ashokbhai Patni bán đồ trang sức.

Khi nhiệt độ tăng cao, bà thường lo lắng về những đồ trang sức làm bằng hợp kim và nhựa được bày trong gian hàng của mình. “Màu của viên ngọc trai bằng nhựa bắt đầu nhạt dần khi thời tiết trở nên nóng hơn, khiến chúng trở nên vô giá trị và giống như đồ bỏ đi”, người mẹ 56 tuổi có 4 con này chia sẻ với hãng tin Reuters vào một ngày cuối tháng 4 vừa qua khi nhiệt độ ở Ahmedabad, Ấn Độ lên tới khoảng 38 độ C.

Bà Kamlaben Ashokbhai Patni tại gian hàng bán trang sức của mình. Ảnh: Reuters 

Biến đổi khí hậu đã đẩy nhiệt độ trong thành phố Ahmedabad lên mức cao kỷ lục 48 độ C vào năm 2016. Năm ngoái, nhiệt độ cao nhất ở đây là 46 độ C. Nhiệt độ cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh doanh ở Ahmedabad. Tuy nhiên, giờ đây bà Patni không còn phải lo lắng nhiều nữa khi bà đã nằm trong số 21.000 phụ nữ tự kinh doanh ở bang Gujarat đăng ký tham gia một trong những chương trình bảo hiểm đầu tiên trên thế giới về nhiệt độ cao.

Chương trình này do Trung tâm phục hồi của tổ chức phi lợi nhuận Arsht-Rock (Mỹ) phối hợp với công ty khởi nghiệp bảo hiểm vi mô Blue Marble và Hiệp hội phụ nữ tự kinh doanh ở bang Gujarat thực hiện. Nếu nhiệt độ tăng vượt mức trung bình và kéo dài liên tục trong 3 ngày, bà Patni sẽ nhận được một khoản thanh toán nhỏ để giúp đối phó với nắng nóng và bù đắp thu nhập bị mất mát.

Khoản thanh toán được đưa ra khi dữ liệu vệ tinh cho thấy nhiệt độ 3 ngày liên tiếp ở Ahmedabad cộng lại đạt từ 134-138 độ C. Chính sách này có thể cho phép thanh toán nhiều lần với tổng số tiền tối đa không quá 85USD.     

Trong khi bảo hiểm truyền thống có thể mất hàng tháng để thanh toán, với cái gọi là bảo hiểm tham số, người tham gia bảo hiểm không cần phải chứng minh tổn thất và có thể thanh toán trong vòng vài ngày kể từ khi nhiệt độ đạt đến ngưỡng kích hoạt bồi thường.

Các khoản thanh toán bảo hiểm này giúp người lao động nghèo mua những thứ như găng tay để bảo vệ tay khỏi các dụng cụ kim loại nóng như thiêu đốt, mua quạt để giữ mát và tránh kiệt sức vì nóng, mua thuốc để giảm đau đầu do nắng nóng hoặc mua thức ăn cho gia đình... Hình thức bảo hiểm hỗ trợ người dân ứng phó với thảm họa thiên nhiên hiện được triển khai nhanh chóng ở các nước đang phát triển, nơi các cộng đồng dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão và sóng nhiệt ngày càng trầm trọng.

Tags: Ấn Độ
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...