WHO cảnh báo số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở Đông Nam Á: Vắc xin mũi 4 trở thành phòng tuyến hiệu quả

Đến nay, vắc xin phòng COVID-19 vẫn là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng, chống dịch.

Gia tăng ca mắc mới và sự ''lấn sân'' của BA.5

Theo báo cáo mới nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/6 (giờ Việt Nam), số ca COVID-19 tăng vọt ở Đông Địa Trung Hải, châu Âu, Đông Nam Á. Trong đó, biến thể mới BA.5 chiếm chủ đạo.

Cụ thể, số ca mắc hàng tuần toàn cầu đã tăng tuần thứ ba liên tiếp, sau xu hướng giảm kể từ mức đỉnh cuối cùng vào tháng 3/2022. Trong tuần từ 20 đến 26/6/2022, hơn 4,1 triệu ca mới đã được báo cáo, tăng 18% so với so với tuần trước. Số ca tử vong hàng tuần mới vẫn tương tự như tuần trước, với hơn 8.500 ca tử vong được báo cáo.

Ở cấp khu vực của WHO, số ca mắc mới hàng tuần tăng lên ở Khu vực Đông Địa Trung Hải ( 47%), Khu vực Châu Âu ( 33%), Khu vực Đông Nam Á ( 32%, khu vực Đông Nam Á của WHO không bao gồm Việt Nam) và Khu vực Châu Mỹ. ( 14%).

WHO cảnh báo số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở Đông Nam Á: Vắc xin mũi 4 có thực sự trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng? - Ảnh 1.

Thống kê các khu vực gia tăng ca mắc COVID-19 mới. Ảnh: WHO

Trong khi đó số ca giảm mạnh ở Khu vực Châu Phi (-39%). Khu vực Tây Thái Bình Dương có Việt Nam thì số ca giảm nhẹ (-3%), tuy nhiên có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ lại báo cáo số ca tăng, rõ rệt nhất là Samoa ( 361%), Polynesia thuộc Pháp ( 70%) và Philippines ( 60%).

Thống kê tháng mới (13-19/6) về tỉ lệ của các biến chủng và biến chủng phụ cũng cho thấy rõ sự gia tăng mạnh mẽ của BA.5 , trở thành dòng SARS-CoV-2 phổ biến nhất toàn cầu: BA.2 chiếm 25%, BA.2.12.1 chiếm 11%, BA.4 chiếm 12% và BA.5 chiếm 43%.

Lợi ích của việc tiêm vắc xin mũi 4

Giống như nhiều loại vắc xin khác, những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các biến thể Omicron và sự giảm dần khả năng bảo vệ sau tiêm vắc xin theo thời gian (đặc biệt là đối với một số nhóm đối tượng nguy cơ), Bộ Y tế đã chỉ đạo về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.

Theo tổng hợp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tại có 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, 6 nghiên cứu từ Israel và 1 nghiên cứu từ Canada. Tất cả đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 là có hiệu quả.

WHO cảnh báo số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở Đông Nam Á: Vắc xin mũi 4 có thực sự trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng? - Ảnh 2.

Các nghiên cứu cho thấy mũi 4 có khả năng gia tăng hiệu quả phòng COVID-19

Cụ thể, trong số 7 nghiên cứu điều tra việc sử dụng liều vắc xin mRNA COVID-19, có 2 nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên y tế ở Israel. Kết quả của nghiên cứu thứ nhất cho thấy rằng vắc xin đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ (cả kháng thể IgG và kháng thể trung hòa) đều tăng gấp 9 hoặc 10 lần và vắc xin không gây ra tác dụng phụ nào lớn cho đối tượng nghiên cứu.

Nghiên cứu thứ hai đã khảo sát những trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm vắc xin ở những nhân viên y tế được tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer-BioNTech và đưa ra so sánh với những người được tiêm mũi 4 vắc xin này. Kết quả cho thấy ở những người được tiêm mũi 4 đã giảm tỷ lệ mắc COVID-19 sau tiêm vắc xin so với tỷ lệ được quan sát thấy chỉ sau mũi 3 của vắc xin này.

Trong số 5 nghiên cứu còn lại, tất cả đều được thực hiện ở những người trên 60 tuổi, không bao gồm những người đã nhiễm COVID-19 trước đó cho thấy mũi 4 vắc xin có hiệu quả. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc COVID-19 nặng một tháng sau mũi 4 thấp hơn 3,5 lần so với ở nhóm tiêm 3 liều.

Nghiên cứu cuối cùng được thực hiện tại Canada cho thấy rằng với mỗi liều bổ sung, hiệu quả vắc xin tăng lên đối với bệnh nặng. Cụ thể hiệu quả vắc xin tuyệt đối là 82% (KTC 95%: 75-88%) được đo hơn 84 ngày sau liều thứ ba và 92% (KTC 95%: 87-95%) đối với người nhận liều thứ 4.

Đối tượng nào được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) khuyến nghị tiêm nhắc mũi 4 vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna COVID-19 ít nhất 4 tháng sau lần tiêm nhắc lại đầu tiên cho các đối tượng gồm người lớn từ 50 tuổi trở lên; Những người từ 12 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch vừa phải hoặc nghiêm trọng.

Theo đó, ngày 9/5/2022, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 2357/BYT-DP chỉ đạo về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) như sau:

- Đối tượng tiêm: Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.

WHO cảnh báo số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở Đông Nam Á: Vắc xin mũi 4 có thực sự trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng? - Ảnh 3.

- Vắc xin sử dụng: Vắc xin mRNA (của hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vắc xin do Astra Zeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi 3.

- Khoảng cách: Ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.

- Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.

Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng COVID-19 chính là chìa khóa quan trọng nhất trong phòng, chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Do đó, mỗi chúng ta hãy tiêm vắc xin theo hướng dẫn của ngành y tế.

Nguồn: WHO; HCDC

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...