Thiếu thuốc hiếm, bệnh nhân dù nguy kịch vẫn phải... chờ!
Tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại một bệnh viện. Các bác sĩ trực tiếp cứu chữa người bệnh chỉ biết thở dài, lắc đầu vì tình trạng này đã nhiều lần xảy ra mà chưa có giải pháp để xử lý.
Bác sĩ khám điều trị cho bệnh nhân tại BV Việt Đức. Ảnh: Thùy Linh
Bệnh nhân nguy kịch nằm chờ thuốc
Tháng 8/2022, hàng loạt bệnh viện nơi có các trung tâm can thiệp tim mạch hàng đầu Việt Nam đều gặp phải tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat (thuốc cầm máu và chống đông tiêu sợi huyết-PV) dùng trong phẫu thuật tim mạch. Lý do chính của việc này là do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác.
Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài. Do đó, trường hợp không chủ động, kịp thời đặt hàng từ các cơ sở khám chữa bệnh với các cơ sở nhập khẩu thuốc và từ cơ sở nhập khẩu thuốc với các nhà cung cấp thuốc nước ngoài thì có thể dẫn đến việc có khoảng thời gian thiếu thuốc tạm thời khi cơ sở nhập khẩu của Việt Nam đặt hàng nhưng các nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng theo yêu cầu cho thị trường Việt Nam; đồng thời, nếu để chờ sản xuất thêm thì cũng mất thời gian khá dài (khoảng vài tháng).
Tiếp đó, mới đây, nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng cũng phải đối mặt nguy hiểm khi trung tâm đầu ngành về điều trị ngộ độc đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất. Chia sẻ với phóng viên, TS-BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Đơn cử như một bệnh nhân người Lào, tổn thương não do ngộ độc thủy ngân rất nặng. Thế nhưng, đau đớn thay, loại thuốc giải độc đơn giản chúng ta đang có không thể tới được não để giúp cho bệnh nhân, hiệu quả rất kém, bệnh nhân tiên lượng rất xấu với não. Các bác sĩ cũng chỉ biết lắc đầu thở dài chua xót.
"Rồi những bệnh nhân ngộ độc paracetamol, viêm gan nhiễm độc, cần thuốc giải độc truyền vào máu để cứu sống. Rồi bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol hiện nay cũng thiếu thuốc giải độc để cứu mạng, bảo vệ não và gan, rất nhiều các thuốc giải độc đều rất thiếu" - BS Nguyên buồn bã chia sẻ.
BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, nếu trước đây, bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể như vậy.
Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS-TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước. Sau khi tiến hành rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan đến sử dụng thuốc này, nhưng nhiều khi đột xuất lại có nhiều ca bệnh.
Đơn cử như việc cấp cứu hàng loạt bệnh nhân ngộ độc pate chay trước đây, PGS Đào Xuân Cơ cũng khẳng định chúng ta cũng không có sẵn loại thuốc giải độc này, phải nhờ đến Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ thuốc thì mới có.
Cần giải pháp tháo gỡ mang tính toàn quốc
Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, các thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường là các thuốc rất hiếm, thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế.
Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8.5.2017 của Chính phủ và Thông tư số 26/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc.
Qua tìm hiểu, hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Cục Quản lý Dược đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý dược luôn ưu tiên giải quyết.
Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị đối với huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
Về giải pháp cho vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hiện bệnh viện đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc; đồng thời Bệnh viện cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc ở 3 miền để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng.
Đồng quan điểm, GS-TS Lê Ngọc Thành - nguyên Giám đốc Bệnh viện E - cho rằng: "Có một số loại thuốc không có lời lãi gì trong kinh doanh, không được ai quan tâm, các doanh nghiệp không mặn mà gì nhưng bắt buộc phải có và liên tục phải có, hết hạn thì buộc phải bỏ đi. Nhiều năm nay vấn đề này đã xảy ra và vẫn xảy ra, những loại thuốc mà bệnh nhân "không có là chết" nhưng vẫn thiếu. Vấn đề này, theo tôi là cần có một chiến lược tầm quốc gia, để giải quyết vấn đề cho tất cả các bệnh viện trên cả nước mỗi khi thiếu các loại thuốc hiếm để cứu chữa người bệnh".
Tìm hướng đảm bảo nguồn thuốc hiếm tại cơ sở y tế Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc. Tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước. Tại Bệnh viện Bạch Mai, TS-BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - các thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc. Tuy nhiên, những thuốc đặc hiệu đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế, rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh. Đơn cử như một bệnh nhân người Lào, tổn thương não do ngộ độc thủy ngân rất nặng. Thế nhưng, đau đớn thay, loại thuốc giải độc đơn giản chúng ta đang có không thể tới được não để giúp cho bệnh nhân, hiệu quả rất kém, bệnh nhân tiên lượng rất xấu với não. Các bác sĩ cũng chỉ biết lắc đầu thở dài chua xót. PGS-TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, sau khi tiến hành rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, đúng là bệnh viện đang thiếu nhiều thuốc trong danh mục thuốc giải độc. "Các thuốc hiếm, như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân... hiện chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ cố định. Trong khi đó các công ty nhập khẩu kinh doanh cũng rất ít khi nhập khẩu dự trữ sẵn. PGS-TS Đào Xuân Cơ cho biết, liên quan đến hàng loạt bệnh nhân ngộ độc pate chay trước đây chúng ta cũng không có sẵn loại thuốc giải độc này, phải nhờ đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ thuốc thì mới có. Về phía Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết, để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị. Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Cục Quản lý Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị đối với huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Lệ Hà |