NÓI THẲNG: Bác sĩ không làm ngoài giờ sao đủ sống?

Vụ bác sĩ công đi làm tư bị phát hiện, xử lý gây nhiều tranh luận trái chiều. Đây là điều cần thiết để có sự thay đổi về chính sách với nhân viên y tế. Bởi nếu cứ che đậy thì người không dám "vượt rào" mãi nghèo, trong khi người vượt vào thì tốt cho họ nhưng thiệt cho người bệnh.

Sự việc 4 bác sĩ của Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) đi làm thêm ở Tiền Giang vào giờ hành chính đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến trái chiều về việc bác sĩ có nên làm thêm để tăng thu nhập, bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ việc bác sĩ ở bệnh viện công làm thêm ở ngoài.

Là người làm trong ngành y, để đảm bảo cuộc sống cho cá nhân và gia đình, từ khi ra trường đến nay đã 20 năm, tôi phải mở phòng mạch tư để kiếm sống. Hiện tại, không chỉ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nhân viên y tế, tôi còn tham gia dịch thuật để có thêm thu nhập dù không còn vất vả như lúc mới ra trường.

Với vị trí là Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM, tôi vẫn cho phép giảng viên trong khoa đi giảng dạy hay làm một số công việc khác ở ngoài để có thu nhập. Thậm chí, có trường hợp đi giảng dạy bên ngoài nhưng chưa xin phép hoặc cũng không dám xin phép tôi cũng "làm ngơ". Bởi các bác sĩ, điều dưỡng nếu làm thêm và có thu nhập thêm sẽ có nhiều năng lượng hơn để phục vụ người bệnh.

Tôi không phê phán các bác sĩ ở Bệnh viện TP Thủ Đức đi làm ở phòng khám tư vì cũng chưa biết hết tình hình và hoàn cảnh (có thể họ phải "trốn" vì bệnh viện không cho phép dù họ có xin). Nhưng việc không có mặt tại bệnh viện mà bệnh viện không biết là không hoan ngênh. Bởi vì điều này là nguy hiểm cho bệnh nhân.

Nếu có ai trong chúng ta đến bệnh viện mà không có bác sĩ chăm sóc, theo dõi (dù trên giấy tờ là đã có phân công cho bác sĩ nào đó rồi vì nếu bác sĩ ra khỏi bệnh viện mà không muốn lưu lại dấu vết thì ở khoa phải "phân công" cho bác sĩ đó chịu trách nhiệm cho bệnh nhân nào đó) thì rất đáng ngại. Việc tránh lưu dấu vết trên hồ sơ, văn bản khi đã ra khỏi bệnh viện còn nguy hiểm ở chỗ nếu xảy ra tai biến thì các diễn tiến tiếp theo phải được điều chỉnh để hợp lý hóa.

 

Sự việc xảy ra gây nhiều tranh luận trái chiều và theo tôi đây cũng là điều cần thiết để có sự thay đổi về chính sách với nhân viên y tế. Nếu cứ che đậy thì mọi việc sẽ diến tiến như cũ. Người không dám vượt rào thì cứ nghèo khổ, người vượt rào thì tốt cho họ nhưng lại nguy hiểm cho người bệnh.

Tôi được đào tạo kỹ về dịch tễ học. Trong dịch tễ học, không có con người nguy cơ mà chỉ có hành vi nguy cơ. Ví dụ như tôi không thích nếu ai nói người nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là người có nguy cơ bị đậu mùa khỉ. Nhưng tôi vẫn mạnh dạn nói rằng quan hệ tình dục với nhiều người xa lạ mà không kiểm tra sức khỏe của bạn tình sẽ là hành vi nguy cơ cao bị đậu mùa khỉ. Cũng vì vậy, tôi không phê phán một bác sĩ cụ thể nào. Vì như nói ở trên tôi chưa biết được thực sự hoàn cảnh của họ và hoàn cảnh của bệnh viện (có thể bệnh viện cũng chẳng có bệnh nhân). Tuy nhiên, hành động không có mặt ở bệnh viện nhưng lại có tên là hành vi không được hoan nghênh. Điều này cũng giống như người bảo vệ báo có là có mặt trực phòng cháy chữa cháy tại chung cư mà vắng mặt; quân đội có tên người lính mà người lính lại không trực chiến.

Dư luận đặt vấn đề việc phanh phui bác sĩ ở bệnh viện công lén đi làm thêm có làm cho các nhân viên y tế chạnh lòng hay không. Tôi cho là không. Vì tôi tin là trên 95% nhân viên y tế đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, đặt sinh mệnh của bệnh nhân lên hàng đầu. Đây là lí do tại sao người dân tin cậy và tôn trọng cán bộ y tế.

Lượt xem: 72
Tác giả: PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP HCM
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...