Những điều cần biết về bong gân cổ chân

Bong gân cổ chân là tình trạng nhiều người lao động, người chơi thể thao thường gặp phải. Khi bị bong gân, người bệnh cần xử trí đúng để có thể nhanh chóng bình phục và tránh những hậu quả không đáng có. Dưới đây là những tư vấn của bác sĩ CKII Võ Hòa Khánh - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP Hồ Chí Minh).

Những điều cần biết về bong gân cổ chân

Nhiều người bị bong gân trong quá trình làm việc hoặc chơi thể thao. Ảnh: Hạ Mây

Nguyên nhân gây bong gân

Bong gân cổ chân là tình trạng tổn thương dây chằng vùng khớp cổ chân, tổn thương thông thường là giãn nhưng đôi khi cũng có rách, đứt dây chằng cổ chân nếu bong gân nặng. Bong gân khớp cổ chân là loại bong gân phổ biến nhất, kiểu chấn thương thường gặp nhất là kiểu vẹo trong do tiếp đất sai tư thế làm cổ chân bị vẹo, nghiêng hoặc xoắn. Thành phần dễ bị tổn thương nhất là phức hợp mắt cá ngoài (chiếm 85%), bao gồm: dây chằng sên mác trước, dây chằng mác gót, dây chằng sên mác sau.

Nguyên nhân bong gân cổ chân có thể từ chấn thương thể thao như đá banh, chơi tennis, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ…; Sụp hố khi di chuyển đi trong rừng, khi trời mưa, đi trong điều kiện không đủ ánh sáng; Mang giầy cao gót bị lật chân…

Mức độ bong gân

Độ 1, mức độ nhẹ, bong gân này xảy ra khi lực tác động vào vùng cổ chân không quá lớn và gây nên tình trạng giãn dây chằng nhẹ. Vùng cổ chân của bạn sẽ xuất hiện vết sưng nhỏ kèm theo cảm giác hơi đau một chút.

Độ 2, mức trung bình, khi bị bong gân ở mức độ này, dây chằng ở vùng cổ chân có thể đã bị rách hoặc bị đứt một phần. Vùng cổ chân sẽ bị sưng và thâm khá lớn. Khi đứng lên, người bệnh sẽ cảm nhận được cảm giác hơi mất vững ở phần cổ chân.

Độ 3, mức độ nặng, đây là mức độ nặng nhất khi bị bong gân cổ chân. Trường hợp này, dây chằng ở phần cổ chân sẽ bị đứt toàn bộ. Vùng cổ chân sẽ bị sưng và bầm tím rất lớn. Khi đứng dậy, người bệnh sẽ có cảm giác cực kỳ đau và hoàn toàn bị mất vững khớp cổ chân.

Cách sơ cứu ngay sau khi bong gân

Cố định khớp cổ chân bằng nẹp thun, nẹp vải, nẹp hơi… Hạn chế tì nén chân đau. Có thể sử dụng nạng hỗ trợ khi đi lại. Chườm túi nước đá lên vùng sưng đau nhiều lần sau chấn thương, mỗi lần 10-20 phút trong 24 - 48 giờ đầu. Dùng băng thun, nẹp thun cổ chân, nẹp hơi cổ chân… băng ép nhẹ cổ chân trong 24 – 36 giờ đầu. Ngồi hoặc nằm kê chân cao 2 – 3 giờ mỗi ngày.

Sử dụng thuốc giảm đau nhóm paracetamol và kháng viêm nhóm NSAID để giúp giảm đau, giảm sưng, tránh phù nề, đồng thời, xin ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc. Không xoa bóp vì sẽ làm cổ chân sưng bầm tím nhiều hơn. Không đắp thuốc, lá cây, các loại không rõ nguồn gốc lên cổ chân.

Cách phòng tránh bong gân cổ chân

Khởi động kĩ trước khi bắt đầu hoạt động thể dục thể thao. Tập thể dục thường xuyên, hoạt động vừa phải mỗi ngày sẽ tốt hơn hoạt động mạnh chỉ một hoặc hai lần một tuần. Điều này giúp cơ bắp của chân mềm mại và linh hoạt, do đó chúng có thể nhanh chóng phục hồi khi có tổn thương ngoài ý muốn.

Chú ý tới thời tiết, địa hình, quãng đường chạy bộ hay chơi thể thao. Trời mưa, đường trơn trượt, gồ ghề sẽ khiến bạn tăng nguy cơ trượt ngã. Nên đầu tư dụng cụ thể thao như giày, quần áo… phù hợp. Cần thực hiện an toàn trong lao động và trong sinh hoạt, tránh nguy cơ ngã khi phải thực hiện các công việc cần có sự thăng bằng trên các độ cao.

Lượt xem: 13
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...