Ngộ độc botulinum nguy hiểm như thế nào?
Tại Quảng Nam vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum khi người dân sử dụng cá chép muối ủ chua khiến 10 người nhập viện, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Đáng lo ngại hơn, công tác điều trị các vụ ngộ độc này gặp không ít khó khăn do thuốc giải độc đặc trị khó mua và rất đắt tiền.
Bệnh nhân ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Ảnh do Bệnh viện cung cấp |
Trước đó, vào cuối tháng 8-2020, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận điều trị cho một số bệnh nhân nhiễm độc tố botulinum do ăn pate chay đóng hộp. Là người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngộ độc độc tố botulinum là loại ngộ độc kinh điển nhưng xảy ra không thường xuyên. Yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán, xác định rất khó khăn. Hơn nữa, độc tố botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh nên sau khi bệnh nhân ăn thực phẩm không an toàn có chứa botulinum, độc chất này hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ. Biểu hiện của ngộ độc là sau khi ăn khoảng 12-36 giờ, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng liệt từ vùng đầu, mặt, cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được), lan xuống hai tay, hai chân, sau đó liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm ở họng, khó thở) gây suy hô hấp, dễ gây tử vong.
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ngộ độc botulinum rất khó khăn vì đây là loại ngộ độc đặc biệt, xảy ra không thường xuyên. Biểu hiện ngộ độc lại giống với nhiều bệnh khác như ngộ độc tetrodotoxin (cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), viêm đa rễ dây thần kinh, nhược cơ nên rất dễ nhầm lẫn. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thực phẩm đóng hộp dễ có nguy cơ bị ngộ độc botulinum nhất. Ngoài ra, tất cả loại thực phẩm khác như: Rau, củ, quả, hải sản... vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn botulinum nếu được ủ, bọc kín và không bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm thì nguy cơ gây ngộ độc còn cao hơn.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, độc tố botulinum là độc tố nguy hiểm nhất, độc lực mạnh nhất, liều lượng gây tử vong từ 1,3mcg đến 2,1mcg/kg. Mặt khác, ngộ độc botulinum là loại ngộ độc không xảy ra thường xuyên nên rất ít công ty sản xuất và cung cấp thuốc giải độc, dẫn tới nguồn cung rất hiếm. Các thuốc loại này khó mua và đắt tiền (khoảng 8.000USD/lọ), khi không xảy ra ngộ độc mà thuốc hết hạn thì phải bỏ đi, khi xảy ra vụ ngộ độc nặng hoặc các sự cố lớn với nhiều người mắc lại không có thuốc thì sẽ rất nguy hiểm nên cần phải có chính sách dự trữ quốc gia các loại thuốc hiếm đặc dụng này.
Để phòng, chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần phải bảo đảm chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Với những món ăn làm tại nhà, cần bảo quản ở môi trường âm sâu, không nên để trong môi trường tự nhiên quá lâu. Khi chế biến, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới nấu chín do độc tố botulinum sẽ bị phân hủy ở nhiệt độ 100°C trong 15 phút.