Nắng nóng kéo dài, trẻ dễ viêm VA

Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao vào mùa hè, hệ miễn dịch yếu, cộng thêm nằm máy lạnh thường xuyên khiến trẻ dễ khô mũi, viêm họng, viêm VA.

Nắng nóng kéo dài, trẻ dễ viêm VA

Bác sĩ Hà Tố Như thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Hải Phạm

Bác sĩ Hà Tố Như, Bệnh viện An Việt cho biết, trẻ mắc viêm tai giữa (VA) mạn tính thường có các triệu chứng như chảy mũi, nghẹt mũi kéo dài và thở qua miệng. Viêm VA là bệnh thường gặp trong tai mũi họng. VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng, tổ chức này viêm và quá phát thành khối to (gọi là sùi vòm họng) sẽ gây cản trở tới việc hít thở không khí. VA phát triển đến 6 tuổi thì hết, cá biệt có thể thấy ở người lớn.

Vợ chồng anh Sơn ở Sơn Tây (Hà Nội) đưa con gái nhỏ 2 tuổi tới bệnh viện thăm khám trong tình trạng bé bị ngạt mũi liên tục, nhiều khi phải há miệng để thở, ho khá nhiều và sốt, quấy khóc, hay lấy tay dụi tai, dù đã điều trị bằng thuốc tại nhà 3 ngày nhưng không khỏi. Hai vợ chồng rất lo lắng trước tình trạng của con.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Hà Tố Như cho biết bé bị viêm VA biến chứng viêm tai giữa. Theo chia sẻ từ bố mẹ bé, đây đã là lần thứ 3 kể từ đầu năm bé bị viêm VA.

Bác sĩ Hà Tố Như cho biết thêm, viêm VA là bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1-6 tuổi. Đây là tình trạng VA bị vi khuẩn, virus tấn công gây ra viêm nhiễm, làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến trẻ mệt mỏi và dễ mắc phải các bệnh lý về hô hấp.

Viêm VA dễ xảy ra ở những thời điểm giao mùa, thời tiết nắng nóng của mùa hè hay quá lạnh của mùa đông cũng như ở những nơi sinh sống có không khí bị ô nhiễm…

Khi bị viêm VA, trẻ thường xuất hiện tình trạng sốt, mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, bị nghẹt mũi khiến cho việc thở gặp khó khăn, ho, hơi thở có mùi, một số bé còn gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hoá và ở những trẻ nhỏ thường có tình trạng bỏ bú, bú ngắt quãng do không thở được.

Viêm VA dễ tái đi tái lại nhiều lần trong năm và trở thành viêm VA mạn tính. Lúc này, VA đã mất đi tác dụng chống lại vi khuẩn, virus hay nấm và thay vào đó nó lại là nơi trú ẩn lý tưởng cho các tác nhân gây hại cho cơ thể.

Là bệnh lý thường gặp, viêm VA nếu không được điều trị sớm và triệt để đó thể dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm tai ứ mủ, viêm xương chũm cấp, viêm mũi xong, dị dạng sọ mặt…

"Để điều trị viêm VA các bác sĩ sẽ thăm khám và tuỳ tình trạng để có các biện pháp điều trị phù hợp. Tuỳ vào mức độ viêm, các bác sĩ sẽ chỉ định nạo VA cho trẻ.

Thông thường, các trường hợp nạo VA có thể kể đến như VA bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần trong năm, kéo dài và đã đi kèm các biến chứng khác. Viêm VA quát phát, phì đại to gây nghẹt mũi kéo dài đã điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả, xuất hiện chứng ngưng thở khi ngủ, khó nuốt, khó nói…", bác sĩ Hà Tố Như cho hay.

Bên cạnh các hậu quả xấu do bị viêm VA để lại thì khi bị viêm VA, trẻ cũng có thể bị biến chứng thành một số bệnh khác nặng hơn, nguy hiểm hơn - đó là viêm phế quản.

Hiện nay phẫu thuật nạo VA không phải điều phức tạp. Tuy nhiên, bác sĩ Hà Tố Như cũng lưu ý, dù không phức tạp và nguy hiểm nhưng nạo VA cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, đầy đủ trang thiết bị hiện đại và có các bác sĩ chuyên khoa để tránh các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.

Việc chỉ định nạo VA cũng cần được thực hiện sau khi thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh không tự động yêu cầu và sau khi thực hiện phẫu thuật, cần thực hiện đúng hướng dẫn chăm sóc trẻ của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết