Lấp khoảng trống miễn dịch ở trẻ trước dịch bệnh sởi nguy cơ bùng phát

TPHCM là đô thị đông dân, trong công tác phòng chống dịch bệnh cho trẻ em, thời gian qua ngành y tế vẫn đang căng mình xử lý dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết và nay thêm nguy cơ bùng phát dịch sởi, khi liên tiếp có các ca bệnh nặng được ghi nhận phải điều trị tích cực.

Lấp khoảng trống miễn dịch ở trẻ trước dịch bệnh sởi nguy cơ bùng phát

Trẻ mắc bệnh sởi khi chưa kịp tiêm vaccine sởi. Ảnh: NGUYỄN LY

Chị P.T.Q.T (Quận 12, TPHCM) đã nằm trong phòng bệnh mấy ngày qua, vẫn nóng ruột và thường xuyên theo dõi sức khỏe của con. Theo chị T., bé bắt đầu sốt được 3 ngày thì đến bác sĩ gần nhà khám và được chẩn đoán viêm màng cấp, điều trị tại nhà nhưng không cải thiện, nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sởi, biến chứng qua phổi. Chị T. cho rằng nguồn lây có thể từ trường học, vì bạn học cùng lớp của bé cũng đã mắc bệnh sởi trước đó. Liên quan đến việc tiêm vaccine cho con, bé chỉ được tiêm một mũi vaccine sởi, sau đó dịch COVID-19 bùng phát, gia đình quên chích những mũi tiếp theo.

Những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) ghi nhận các bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, và Nhi đồng Thành phố đều có trẻ mắc bệnh sởi, và hầu hết trẻ mắc bệnh đều chưa tiêm vaccine ngừa sởi hoặc tiêm chưa đủ. Điều này tạo ra khoảng trống miễn dịch đối với bệnh sởi cho trẻ.

Theo BS.CKII Dư Tuấn Quy – Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, đa số những trẻ nhập viện vì bệnh sởi đều có biến chứng, chủ yếu là biến chứng về đường hô hấp. Trẻ có thể biểu hiện viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm ruột, thậm chí có trẻ sốt cao, co giật và lơ mơ do tổn thương viêm màng não. Khi trẻ nhập viện vì một chứng bệnh, thời gian điều trị khá dài, có trẻ từ 5-7 ngày hoặc kéo dài hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến gia đình khi phải nghỉ việc liên tục để chăm trẻ, tăng chi phí điều trị.

“Có nhiều trẻ bị biến chứng suy dinh dưỡng, chúng ta cần đưa trẻ đi tiêm dự phòng vaccine sớm vì vaccine rất an toàn và hiệu quả cho bệnh sởi. Chúng ta chỉ cần cho trẻ chích ngừa vaccine sởi khi trẻ 9 tháng và chích nhắc lại khi trẻ 18 tháng. Những trẻ đã tiêm đủ 2 mũi hầu như được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh sởi”, bác sĩ Quy nói thêm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, trước khi có vaccine, dịch sởi xảy ra hàng năm với số nhiễm bệnh cao. Khi có vaccine, sởi xuất hiện theo chu kỳ vì rất khó phủ rộng được lượng vaccine tỉ lệ cao, chu kỳ thường là 4-5 năm một lần. Năm 2014-2015 có một đợt, sau đó 2018-2019 tiếp tục có và bây giờ năm 2024 cũng gần 5 năm nên việc này không lạ. Thời gian dịch COVID-19 và gián đoạn vaccine không cung ứng đủ làm cho độ phủ vaccine giảm nhiều. Tuy nhiên, dịch bắt đầu phải cùng nhau phòng chống. Dù sởi lây nhiều nhưng dễ phòng ngừa nhờ vaccine.

Ngành y tế TPHCM đã nghĩ tới kịch bản muốn ngăn chặn dịch là toàn dân cùng thực hiện, phát hiện sớm bằng cách chỉ phát ban là nghĩ ngay đến sởi để dự phòng và ngăn dịch sớm.