Kiểm soát, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 140 ca dương tính với virus SARS-CoV-2  (không có trường hợp tử vong), 13 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như: thủy đậu, tay chân miệng, quai bị... giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên trên địa bàn vẫn có ca tử vong do nghi mắc bệnh dại.

Trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt trên 80%, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị thuốc ARV đạt gần 90%, tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 99,5%. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn; duy trì các hoạt động nhằm mục tiêu không có sốt rét quay trở lại, đảm bảo công tác phòng, chống các bệnh do ký sinh trùng - côn trùng tại tỉnh...

Ông Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục được kiểm soát tốt, không có diễn biến bất thường. Công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế được triển khai theo kế hoạch và đảm bảo tiến độ. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, cập nhật diễn biến và báo cáo Sở Y tế tỉnh theo quy định về tình hình dịch bệnh để có phương án phòng dịch kịp thời; đồng thời triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 90% trên quy mô xã, phường, thực hiện tiêm vét các vaccine trong tiêm chủng mở rộng theo chỉ đạo của Bộ Y tế....

Để phòng, chống dịch bệnh bạch hầu kịp thời, hiệu quả, đầu tháng 7/2024, Sở Y tế Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp diễn biến nặng và tử vong; đảm bảo đầy đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh bạch hầu và các dịch bệnh khác. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch; củng cố đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu và hỗ trợ tuyến dưới hoặc đơn vị khác khi có yêu cầu.

Các đơn vị y tế dự phòng phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; vận động, tuyên truyền người dân khi có các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh bạch hầu hoặc các dịch bệnh truyền nhiễm khác cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát chặt chẽ tình dịch bệnh bạch hầu tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ cao, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch bùng phát trên địa bàn; rà soát các đối tượng chưa tiêm phòng vaccine bạch hầu để tổ chức tiêm chủng đạt tỷ lệ bao phủ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.../.

Hoàng Thảo Nguyên

Lượt xem: 2
Tác giả: Hoàng Thảo Nguyên
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết