Giảm số năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm – Người lao động phấn khởi
Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm, tiến tới giảm xuống 10 năm.
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội là 20 năm để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí. Điều này dẫn đến nhiều công nhân, lao động không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu. Nhiều người lao động cho rằng, với một số ngành nghề, công nhân tại các khu công nghiệp khó trụ lại vì cường độ làm việc rất cao. Trước thực tế này, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm, tiến tới giảm xuống 10 năm.
Chị Ngô Thị Khoa làm việc tại Công ty TNHH Italisa Việt Nam, khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, tỉnh Bắc Giang đến nay hơn 8 năm và chị có từng ấy năm đóng bảo hiểm xã hội. Chị Khoa làm việc tại xưởng sản xuất các thiết bị vệ sinh, thiết bị nhà bếp với 2 khung giờ làm là ca sáng từ 7h30 đến 16h30 chiều và ca đêm từ 19h30 đến 4h30 sáng.
Ở độ tuổi 46, chị Khoa phải cố gắng lắm mới đáp ứng được công việc làm xuyên ca như vậy: “Nếu đóng bảo hiểm 20 năm mới được hưởng lương hưu, mà năm nay 46 tuổi tôi phải làm việc đến năm 60 tuổi mới có lương hưu. Vì tuổi của mình lúc đó cao rồi, mà công việc, ngành nghề của mình không thể đáp ứng được. Nếu luật BHXH sửa đổi được thì chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng sớm được hưởng lương hưu sớm hơn, tốt hơn. Tuổi cao rất khó làm công nhân nữa”.
Còn anh Nguyễn Văn Hải, Công nhân Công ty TNHH May và Thương mại đồng phục Việt Thắng, Bắc Giang cho rằng: nhiều doanh nghiệp luôn "than" khó tuyển dụng lao động, nhưng thời gian qua không ít doanh nghiệp tìm cách sa thải những lao động trên 40-45 tuổi để bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó, anh Hải mong muốn Chính phủ sửa đổi pháp luật, giảm số năm đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động và cũng hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần: “Công nhân lao động như tôi công việc cần đến sức khỏe, làm ca nên chưa chắc lao động được đến năm 60 tuổi hoặc những người qua 45 tuổi có thể các công ty đã đào thải rồi, để đợi thời gian đóng bảo hiểm đủ 20 năm rất khó khăn đối với công nhân”.
Tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với Công nhân lao động diễn ra mới đây, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Trước những mong muốn giảm số năm đóng bảo hiểm của người lao động, Bộ đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó, sẽ giảm dần xuống 15 năm và tiến tới có thể giảm xuống 10 năm: “Việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTB&XH chủ trì, hiện đã hoàn tất hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đồng thời đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Ngoài ra, sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình, nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Số người tham gia BHXH tự nguyện ở Quảng Bình đang ở mức cao của cả nước
Về vấn đề này, tại buổi đối thoại với công nhân lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra...”.
Trước thông tin về Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó, quy định giảm dần số năm đóng BHXH xuống 15 năm, chị Ngô Thị Khoa, công nhân Công ty TNHH Italisa Việt Nam phấn khởi chia sẻ: “Tôi vui mừng khi vấn đề về Luật Bảo hiểm sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới từ 20 năm giảm xuống 15 năm, và có thể xuống tới 10 năm. Như vậy người lao động chúng tôi cũng yên tâm làm việc”.
Hiện nước ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Đây là tỷ lệ khá thấp. Do đó, để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bên cạnh những kế hoạch điều chỉnh Luật BHXH, sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong chi trả của ngành BHXH, thì rất cần sự vào cuộc, chung tay của người dân và các tổ chức chính trị xã hội, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong nhận thức của đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động và nhân dân về Bảo hiểm xã hội./.