Đề phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát dịp Tết
Hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn đang được kiểm soát. Thế nhưng tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu vào nước ta vẫn xảy ra.
Một số người chăn nuôi chủ quan, lơ là việc tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm khiến nguy cơ dịch bệnh có thể phát sinh, lây lan, nhất là những tháng cuối năm, gây ảnh hưởng tới chăn nuôi và việc bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Giáp Thìn, khi nhu cầu tăng cao.
Nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh
Ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong nước từ đầu năm đến nay vẫn xảy ra. Cụ thể, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 18.110 con lợn; 19 ổ dịch cúm gia cầm (cúm A H5N1) tại 16 huyện, thị xã của 11 tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy 35.706 con. Bệnh lở mồm long móng, 22 ổ dịch (tuýp O) tại 15 huyện, thị của 11 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh 760 con. Cùng với đó là các bệnh như viêm da nổi cục, bệnh nhiệt thán trên trâu bò; bệnh tai xanh trên lợn cũng đang có diễn biến phức tạp.
Chăn nuôi lợn ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. |
Theo đánh giá, nhận định của Cục Thú y, mặc dù dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở nước ta hiện cơ bản được kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh xảy ra vẫn rất cao. Một trong những nguyên nhân là do người dân còn chủ quan, lơ là trong tiêm phòng. Do đó, nguy cơ có thể gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh động vật, gây thiệt hại về kinh tế đối với ngành chăn nuôi trong nước. Đặc biệt, nguy cơ những dịch bệnh từ động vật mới nổi, nguy hiểm truyền lây sang người là rất cao.
Hiện tình hình dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, chẳng hạn cúm gia cầm xảy ra ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, bệnh dịch tả lợn châu Phi ở gần 40 quốc gia. Nếu chúng ta không chủ động phòng, chống cho đàn gia súc, gia cầm thì dịch bệnh rất có thể phát sinh, lây lan, làm ảnh hưởng tới chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm đối với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cảnh báo về nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên gia súc, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... vẫn còn hiện hữu. Hơn nữa, các tháng cuối năm, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh do phục vụ Tết Nguyên đán, việc vận chuyển, giết mổ cũng gia tăng. Đặc biệt, có nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới. Nguyên nhân do virus của dịch bệnh này có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Thêm vào đó, tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không báo cáo theo đúng quy định phòng, chống dịch bệnh, thậm chí vận chuyển cả lợn bị bệnh còn diễn ra ở một số địa phương... Cùng với đó, nếu không kiên quyết ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật nhập lậu thì nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm truyền nhiễm vào Việt Nam là rất cao.
Bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường
Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chia sẻ: "Theo quy luật chung, từ Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm của người tiêu dùng tại địa bàn thành phố tăng 10-20% so với bình thường. Việc kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Chúng tôi xác định Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao về dịch bệnh gia súc, gia cầm. Vì vậy, cùng với việc tuyên truyền để người chăn nuôi tăng cường tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cơ quan chức năng của thành phố cũng tăng cường công tác kiểm dịch trong việc vận chuyển gia súc, gia cầm".
Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT cũng như các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc nhập lậu vào nước ta. Đồng thời, đối với người chăn nuôi, cần thực hiện việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm để phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Theo ông Nguyễn Văn Long, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh chính là biện pháp phòng dịch bệnh một cách chủ động, rẻ và hiệu quả nhất. Cùng với đó, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm chính là giải pháp rất quan trọng. Có như vậy mới bảo vệ được ngành chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước cũng như phục vụ xuất khẩu.