Để không còn ám ảnh chuyển tuyến bệnh viện
Người dân đang rất trông chờ quy định mới về việc bỏ thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh.
Một người quen của tôi chỉ cách Hà Nội khoảng 50km nhưng luôn cho rằng, việc lên Hà Nội khó như hàng trăm kilômét. Bác bị bệnh hiểm nghèo, phải thăm khám thường xuyên, dù đã đóng bảo hiểm y tế nhưng chỉ lên được tuyến huyện là “kịch khung”, bao nhiêu lần đề xuất được lên các bệnh viện lớn của Hà Nội để chữa bệnh đều thất bại vì bị thủ tục quá nhiêu khê. Trong khi đó, gia đình lại không đủ điều kiện để thăm khám ở các bệnh viện tư.
Nỗi ám ảnh ấy không chỉ đối với một người mà với hầu hết người ở quê khi mắc bệnh nặng. “Lên Hà Nội khám bệnh, chữa bệnh” vẫn là điều gì đó xa vời.
Thực tế thì từ khi có Luật Bảo hiểm y tế, dù đã có những tác động tích cực, phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế nhưng có một thực tế, luật quy định việc đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu theo địa giới hành chính lại chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến khám, chữa bệnh tại tất cả cơ sở thuộc tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh đối với một số bệnh.
Trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên, trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến. Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên, từ đó hạn chế quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến là những vấn đề gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin - cho để giữ bệnh nhân lại, không cho chuyển tuyến, gây bức xúc dư luận.
Tuy nhiên, cũng không thể ngay lập tức có thể thông tuyến các cơ sở khám, chữa bệnh đến tuyến Trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến. Bởi lẽ điều này sẽ gây quá tải, áp lực lên tuyến Trung ương, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị người bệnh. Việc phân tuyến góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh.
Giải pháp cho vấn đề này chính là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó, đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo...
Có nghĩa là sẽ quy định cụ thể một số bệnh có thể bỏ thủ tục chuyển tuyến, đây có thể là một giải pháp hợp lý để cân bằng, không gây áp lực lên tuyến trên và đặc biệt là tạo điều kiện và giảm chi phí đối với một số bệnh nhân nặng, bệnh hiểm nghèo.
Dự kiến dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới. Đây chính là thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân.