Biến thể “Omicron tàng hình” BA.2 đang chiếm ưu thế trên toàn cầu

Biến thể phụ BA.2 của Omicron hiện đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, làm tăng số ca COVID-19 ở nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á.

Chủng virus BA.2 đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xuất hiện một làn sóng dịch COVID-19 mới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, BA.2 chiếm tới 86% số ca mắc COVID-19 hiện nay. Biến thể phụ của phiên bản Omicron có khả năng lây truyền cao được gọi là BA.2 này thậm chí còn dễ lây truyền hơn so với các "anh chị em" Omicron rất dễ lây lan của nó, gồm BA.1 và BA.1.1. Tuy nhiên, các bằng chứng cho đến nay cho thấy, BA.2 không có nhiều khả năng gây ra bệnh nặng.

Cũng như các biến thể khác trong dòng Omicron, vaccine COVID-19 chống lại BA.2 kém hiệu quả hơn so với các biến thể trước đó như Alpha hoặc chủng virus ban đầu, cũng như hiệu quả bảo vệ giảm dần theo thời gian. Theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, khả năng bảo vệ của vaccine được khôi phục bằng mũi tiêm tăng cường, đặc biệt là đạt hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong.

Trên toàn cầu, sự lây lan nhanh chóng của BA.2 được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây ở Trung Quốc cũng như sự tình trạng lây nhiễm kỷ lục ở các nước châu Âu như Đức và Anh. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu hiện đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng chậm lại, hoặc thậm chí là giảm.

BA.2 được gọi là " biến thể tàng hình " vì nó khó theo dõi hơn. Một gene bị thiếu trong biến chủng BA.1 khiến không thể phát hiện ra BA.2 thông qua một xét nghiệm PCR thông thường. Bên cạnh BA.2, một chủng "virus anh em" khác là BA.3 cũng đang gia tăng tỷ lệ lưu hành nhưng hiện đang ở mức thấp, chỉ có thể được tìm thấy bằng cách giải trình tự bộ gene.

Biến thể “Omicron tàng hình” BA.2 đang chiếm ưu thế trên toàn cầu - Ảnh 1.

BA.2 chiếm tới 86% số ca mắc COVID-19 hiện nay. (Ảnh: AP)

Một mối quan tâm chính về BA.2 là liệu nó có thể tái lây nhiễm cho những người đã từng mắc BA.1 hay không, đặc biệt khi một số quốc gia dường như đang trải qua "đỉnh kép" về tỷ lệ lây nhiễm gần nhau một cách đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, dữ liệu từ Anh và Đan Mạch đã chỉ ra rằng, trong khi biến thể Omicron có thể tái nhiễm với những người có từng mắc các biến thể khác, chẳng hạn như Delta, chỉ một số ít trường hợp tái nhiễm BA.2 ở những người đã có BA.1 được tìm thấy cho đến nay trong số hàng chục nghìn trường hợp.

Theo các nhà khoa học, giải thích khả dĩ cho sự gia tăng gần đây của BA.2 có thể là do sự gia tăng toàn cầu này xảy ra cùng lúc với việc nhiều quốc gia dỡ bỏ các biện pháp can thiệp y tế công cộng.

Tiến sĩ Andrew Pekosz, nhà virus học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore cho biết: "Theo một số cách, có thể BA.2 lưu hành khi người dân ngừng đeo khẩu trang".

Do đó, các chuyên gia khác của Mỹ như Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch thuật Scripps ở La Jolla, California, cho rằng, còn "hơi sớm" để dự đoán liệu Mỹ cũng sẽ chứng kiến một làn sóng BA.2 đáng kể hay không.

Tuy nhiên, với bất kể lý do gì cho sự gia tăng của BA.2, các nhà khoa học cho biết, đây là một lời nhắc nhở rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục gây hại, đặc biệt là đối với các nhóm dân số chưa được tiêm chủng và dễ bị tổn thương.

Mark Woolhouse, nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, cho biết: "Đây vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng rất lớn và nó sẽ tiếp tục như vậy"

Lượt xem: 259
Tác giả: Theo P.V
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...