12 nhóm bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi

Bệnh mạn tính ở người cao tuổi (bệnh nền ở người cao tuổi) nếu không được chăm sóc, kiểm soát hiệu quả, có thể tăng nặng phức tạp, khó điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng.

12 nhóm bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi

Nhân viên y tế đo huyết áp cho người dân. Ảnh: Thanh Thanh

ThS.BS Nguyễn Hoàng Tuấn Vũ - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho hay, tại Việt Nam, tình trạng người lớn tuổi mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nền khác nhau rất thường gặp. Bác sĩ Vũ cũng đưa ra những bệnh nền, bệnh mạn tính, nguy hiểm thường xảy ra ở người lớn tuổi.

Bệnh tim mạch

Người cao tuổi và trung niên thường dễ mắc bệnh tim mạch hơn người trẻ, bao gồm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, suy tim, rung nhĩ…

Bệnh cơ xương khớp

Một số bệnh nền, bệnh mạn tính ở người cao tuổi liên quan đến cơ xương khớp phổ biến gồm loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm bao hoạt dịch, đau cơ xơ hóa,…

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường)

Đái tháo đường là bệnh nền ở người lớn tuổi đòi hỏi cần có sự kiểm soát bệnh chặt chẽ. Theo thời gian, bệnh tiểu đường có thể gây ra các bệnh lý hay vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với người cao tuổi như bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận, các vấn đề về mắt, tổn thương thần kinh có thể dẫn tới cắt cụt chi…

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Bệnh nhân lớn tuổi có xu hướng suy giảm chức năng và sức khỏe, nhận thức, khiến việc áp dụng các phương pháp điều trị COPD trở nên khó khăn hơn.

Ung thư

Một số bệnh ung thư có thể xảy ra ở người lớn tuổi gồm ung thư dạ dày, ung thư bàng quang, ung thư phổi, ung thư tuyến tụy, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.

Việc điều trị ung thư cho người cao tuổi sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn nếu người bệnh còn mắc thêm các bệnh mạn tính tuổi khác như bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn.

Bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính (CKD) là một vấn đề lâm sàng rất phổ biến ở nhóm người bệnh cao tuổi và có liên quan đến việc gia tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong.

Rối loạn chức năng hệ tiết niệu

Một bệnh nền ở người cao tuổi phổ biến khác là rối loạn chức năng hệ tiết niệu dẫn đến những vấn đề khi tiểu tiện như: tiểu không kiểm soát, tiểu đêm, nhiễm trùng tiểu, viêm bể thận,…

Rối loạn thị lực

Tốc độ suy giảm thị lực tỉ lệ thuận với tuổi tác. Người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý và vấn đề liên quan đến mắt như: lão thị, tăng nhãn áp, khô mắt, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, đục thủy tinh thể…

Bệnh tiêu hóa

Người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị rối loạn tiêu hoá. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh về đường tiêu hóa có thể trở thành bệnh mạn tính ở người cao tuổi với mức độ nghiêm trọng.

Bệnh Parkinson

Đây là căn bệnh thường xuất hiện sau tuổi 60 và luôn nằm trong nhóm các bệnh mạn tính ở người cao tuổi làm suy giảm chất lượng cuộc sống khi về già.

Suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ

Có nhiều dạng bệnh sa sút trí tuệ khác nhau. Bên cạnh đó, ở giai đoạn sau của chứng sa sút trí tuệ, phản ứng miễn dịch của cơ thể suy yếu.

Người bệnh có thể phải nằm trên giường bệnh lâu hơn và gặp khó khăn khi nuốt. Những điều này đều khiến người bệnh có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn đến tử vong.

Lo âu, trầm cảm

Rối loạn lo âu, trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã, bi quan, vô vọng, mệt mỏi, khó đưa ra quyết định, thay đổi khẩu vị, mất hứng thú với các hoạt động,… Những bệnh mạn tính ở người cao tuổi, đặc biệt là các bệnh đang diễn tiến xấu thường càng khiến người bệnh có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết