'Cởi trói' đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Các thuốc trúng thầu đã sẵn sàng cung ứng ít nhất trong 1 tháng, có thuốc bảo đảm trong 1 quý theo nhu cầu được nêu trong hồ sơ mời thầu
Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế đã cơ bản giải quyết từng bước.
Thuận lợi cho việc lập kế hoạch đấu thầu
Trước đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh là vấn đề nghiêm trọng, cần giải quyết ngay, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với những vướng mắc về chính sách, thể chế, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát quy định để tháo gỡ nhanh.
Theo Bộ Y tế, để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, bảo đảm việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, dự thảo nghị quyết của Chính phủ được Bộ Y tế xây dựng đã đề xuất việc quy định thời điểm mua bán trang thiết bị y tế khi mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thay vì quy định tại thời điểm mua bán như trước đây.
Để bảo đảm nguồn cung thuốc, trang thiết bị y tế, sẽ làm rõ số đăng ký lưu hành với các thuốc được Bộ Y tế công bố bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào. Rà soát, công bố giá thuốc kê khai, đặc biệt trong trường hợp chưa có thông tin về giá bán, các yếu tố chi phí cấu thành, Bộ Y tế sẽ sử dụng thông tin giá thuốc kê khai, kê khai lại đã công bố của các thuốc tương tự trên thị trường để làm căn cứ. Đề xuất này được cho rằng giúp các cơ sở y tế và địa phương có căn cứ và thuận lợi hơn trong việc lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế.
Đại diện một sở y tế ở khu vực phía Bắc cho biết năm 2022, việc mua sắm hầu như đã hoàn thành. Tình trạng thiếu thuốc cơ bản được giải quyết, tuy nhiên vướng mắc hiện nay là thiếu một số loại vật tư y tế. Nguyên nhân là do những mặt hàng này không được các đơn vị trúng thầu đăng tải giá công khai trên hệ thống của Bộ Y tế nên bệnh viện không thể mua được. "Nhiều bệnh viện không biết giá thật của vật tư y tế là bao nhiêu bởi sau giá hải quan nhập về còn thêm thuế, đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao mới thành giá bán ra thị trường. Giá thành bán có thể lên tới 130%-140% nhưng cũng có thể lên gấp đôi, gấp ba là thổi giá. Vậy cơ quan nào thẩm định, chịu trách nhiệm giá công bố, giúp cơ sở y tế không bị thổi giá. Chúng tôi đề nghị trong văn bản pháp quy sắp tới phải có hướng dẫn cụ thể, cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố giá, đặc biệt là giá vật tư y tế" - một lãnh đạo bệnh viện lo lắng.
Sẵn sàng cung ứng thuốc
Bộ Y tế đã công bố kết quả đấu thầu tập trung quốc gia đối 3 gói thầu thuốc là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), thuốc trúng thầu lần này chủ yếu là các thuốc điều trị nhiễm khuẩn như: kháng sinh, thuốc tiêu hóa, thuốc tim mạch, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị đái tháo đường… "Theo quy định không quá 45 ngày, các đơn vị trúng thầu sẽ phải cung ứng thuốc. Tuy nhiên, khi thương thảo, chúng tôi đã kiểm tra vấn đề tồn kho của các thuốc được phê duyệt trúng thầu thì đa số (95% số thuốc trúng thầu) đã có lượng tồn kho để cung ứng ngay sau khi được phê duyệt kết quả đấu thầu. Nhà thầu cũng cam kết sẽ đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng với các cơ sở y tế. Trước mắt, thuốc trúng thầu đã sẵn sàng cung ứng cho các cơ sở y tế ít nhất trong 1 tháng, có thuốc bảo đảm cung ứng ít nhất trong 1 quý theo nhu cầu được nêu trong hồ sơ mời thầu" - ông Dũng cho biết.
Bệnh nhân sốt xuất huyết được đặt nội khí quản, thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Hải Yến.
Lãnh đạo một số bệnh viện ở Hà Nội cho rằng với việc hoàn thành 3 gói thầu quan trọng và việc gia hạn giấy đăng ký gần 10.000 thuốc, sinh phẩm y tế… trong hơn 2 tháng qua đã phần nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm thuốc điều trị. Theo PGS-TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, hiện bệnh viện cơ bản đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân, vì vẫn đang sử dụng thuốc theo đấu thầu với thời hạn hợp đồng đến cuối năm 2022. Với một số thuốc thiếu hụt thì có loại khác cùng hoạt chất thay thế. Tuy nhiên, một số mặt hàng không có nhà cung ứng, một số khác không có giá tham khảo trong 12 tháng qua để xây dựng giá kế hoạch.
Để giải quyết nhanh những tình huống mới phát sinh, sớm có thuốc, vật tư y tế, mới đây một số hiệp hội, bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108… kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập ban chỉ đạo quốc gia để giải quyết kịp thời, gỡ nhanh "nút thắt" như: phân cấp rõ trách nhiệm kiểm soát giá, xây dựng dữ liệu liên thông về giá, khung giá trần… Tương tự, ở cấp địa phương có tổ công tác liên ngành do một lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo.
Theo đề xuất của BHXH Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả BHYT để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng khung giá trần, cũng như cân đối thu - chi của quỹ.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, mô hình mua sắm tập trung tiếp tục được khẳng định là cần thiết, nhất là trong lĩnh vực y tế, bởi danh mục thuốc, vật tư y tế do Quỹ BHYT chi trả chiếm tới 90% nhu cầu sử dụng, trong đó tiền mua thuốc chiếm 60% (khoảng 40.000 tỉ đồng/năm), riêng các thuốc trúng thầu lần này đã phê duyệt gần 7.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 20% so với chi phí thuốc của cả năm). Việc mua sắm với số lượng lớn có nhiều lợi ích hơn so với riêng lẻ như: minh bạch; vừa bảo đảm chất lượng vừa có giá cạnh tranh, thống nhất một mặt bằng giá trên cả nước; có thể điều phối kịp thời giữa các cơ sở y tế khi có biến động nhu cầu; chuyên nghiệp hóa; đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động được kế hoạch sản xuất - kinh doanh...
Theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, quy định về đấu thầu hiện nay áp theo mức giá phải bằng hoặc thấp hơn giá của 12 tháng gần nhất khiến nhiều đơn vị không dám đấu thầu, dẫn tới thiếu thuốc, vật tư y tế. "Quy định này khó thực hiện vì thuốc hiện tính theo giá cũ chưa tính lạm phát và các khía cạnh liên quan đến chuỗi cung ứng khi nhập khẩu thuốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như vận chuyển, bảo quản... khiến giá thuốc bị nâng lên. Từ đó khó đưa ra giá hợp lý" - ông Quang phân tích. |
Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia: Giá trúng thầu tập trung giảm 1.337 tỉ đồng Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia - Bộ Y tế vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 với tổng giá trị 6.292 tỉ đồng. So với giá kế hoạch của các danh mục thuốc được đề xuất ban đầu, mức giá trúng thầu này đã giảm 1.337 tỉ đồng (17,25%). Kết quả đấu thầu này góp phần giảm tình trạng thiếu thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với các loại có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh đái tháo đường... Kết quả này cũng có ảnh hưởng tích cực đến các hội đồng đấu thầu trên toàn quốc, đặc biệt đối với những đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động của các đơn vị, từ đó tình trạng thiếu thuốc sẽ sớm được khắc phục. TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM: Việc cung ứng tạm ổn Bệnh viện đang triển khai đấu thầu gói mới nhưng các nơi chưa gửi phản hồi. Thời gian qua, việc cung ứng thuốc có chậm nhưng tình hình tạm ổn. Gói thầu cũ hiện vẫn còn nên việc cung ứng vẫn bình thường, không ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện cũng như bệnh nhân. N.Dung - Ng.Thạnh ghi. |