Vô địch thế giới cuộc thi tấn công mạng: “Quả ngọt” đến từ sự đầu tư dài hạn - Bài 2: Để nhân lực an ninh mạng Việt Nam vươn tầm thế giới

Chặng đường đến ngôi vô địch Pwn2Own 2023 của các chuyên gia bảo mật Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security-VCS) là thành quả của một hành trình dài, mang tính kế thừa, là minh chứng sinh động cho tầm nhìn từ nhiều năm trước của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) trong lĩnh vực an ninh mạng.

Tầm nhìn nghiên cứu coi an ninh mạng là trụ cột

Tháng 7-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng 5 không gian mới sẽ có quy mô tương đương viễn thông vào năm 2025 và đến năm 2030 sẽ vượt xa viễn thông (bao gồm: Điện toán đám mây, nền tảng số, thương mại điện tử, công nghệ Make in Vietnam, an ninh mạng). Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, 5 không gian trong đó có an ninh mạng sẽ là không gian tăng trưởng chính của các doanh nghiệp công nghệ số và viễn thông trong 10 năm tới. Điều này đã được Viettel nhận thấy từ hơn 10 năm trước và bắt tay vào đầu tư cho lĩnh vực an ninh mạng tại VCS. Hành trình nghiên cứu chuyên sâu của VCS những năm đầu tiên với vỏn vẹn 6 người làm về an ninh mạng. Từ năm 2011, đội ngũ VCS đã thực hiện nhiều cuộc tấn công diễn tập với các đơn vị trong Viettel để chỉ ra vấn đề an ninh mạng.

Các kỹ sư thông tin của Công ty An ninh mạng Viettel giám sát sự cố an toàn thông tin. Ảnh: MINH THI 

Ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc VCS cho biết: Viettel đặt tầm nhìn nghiên cứu coi an ninh mạng là trụ cột. Trong lĩnh vực an ninh mạng, con người là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, VCS luôn ý thức việc rèn luyện, nâng tầm đội ngũ và xây dựng các lớp cán bộ, nhân viên kế cận có trình độ chuyên môn cao, luôn sẵn sàng cho những bài toán mang tầm quốc tế. Để có đội ngũ chuyên gia bảo vệ hạ tầng trọng yếu, VCS định hướng đào tạo nhân lực an ninh mạng có năng lực tương đương với thế giới.

Từ năm 2015 đến nay, VCS đã đào tạo 450 sinh viên, trong đó tuyển dụng được 5% nhân lực phù hợp nhất tiếp tục làm việc. Sau khi xây dựng được đội ngũ chuyên gia, đầu tư bài bản cho nghiên cứu chuyên sâu, VCS tiếp tục tìm cách đầu tư để tăng cường kỹ năng tấn công cho đội ngũ chuyên gia bằng cách khuyến khích các thành viên tham gia các cuộc thi an ninh mạng tầm cỡ thế giới. Năm 2013, VCS bắt đầu hướng nghiên cứu về lỗ hổng Zero-day, những lỗ hổng chưa được biết đến và chưa được khắc phục. Đến năm 2015, nhóm VCS tìm được những lỗ hổng đầu tiên và đến nay, VCS đã tìm ra 400 lỗ hổng bảo mật Zero-day của các nền tảng, hệ thống công nghệ thông tin lớn như: Microsoft, Oracle, Google... đóng góp vào việc giảm thiểu các cuộc tấn công mạng và nâng cao tri thức an ninh mạng toàn cầu.

Bên cạnh đó, chiến lược dùng “quân ta đánh quân mình”-sử dụng nhân viên của công ty tấn công vào chính các hệ thống nội bộ của Viettel để phát hiện lỗ hổng, hoàn thiện sản phẩm và tăng cường khả năng chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài cũng được VCS sử dụng triệt để. Chiến lược này giúp các chiến binh VCS hiểu và nắm bắt được tư duy của các nhóm tin tặc, từ đó xây dựng những phương thức phòng thủ linh hoạt và phù hợp trong các trận chiến thực tế. “An ninh mạng là lĩnh vực mang tính đối kháng. Ví dụ, khi mình tìm được cách phòng thủ thì đối phương lại nghĩ ra phương án tấn công khác trội hơn. Khi làm trong môi trường như thế, được cọ xát liên tục, các bạn cũng tự trau dồi và nâng trình độ của mình lên rất cao”, ông Hải lý giải.

Ngoài ra, một điều tưởng chừng là khó khăn nhưng lại là cơ hội để các chuyên gia của VCS rèn luyện trình độ, nhanh chóng trưởng thành, đó là việc các hạ tầng trọng yếu của Viettel thường xuyên là đối tượng tấn công của các nhóm hacker có kỹ năng và được tổ chức cực kỳ bài bản của thế giới. Mỗi năm, hệ thống phòng thủ của VCS ngăn chặn trung bình tới hơn 50.000 cuộc tấn công từ hacker toàn cầu vào hệ thống của Viettel và khách hàng. Do vậy theo ông Hải, việc các kỹ sư trẻ tuổi của VCS liên tục đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi bảo mật quốc tế không phải là điều ngạc nhiên mà cho thấy VCS đã và đang đi đúng hướng trong việc xây dựng lực lượng chất lượng cao trên không gian mạng.

Sớm có lộ trình vươn tầm thế giới

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel bày tỏ niềm tự hào về thành tích đạt được của đội tại giải đấu Pwn2Own 2023. “Trong hình dung của tôi, các "hacker mũ trắng" sẽ là những chàng trai đầu bù tóc rối, nhưng khi gặp và trò chuyện, thấy các bạn rất chững chạc dù độ tuổi còn rất trẻ. Ban lãnh đạo của tập đoàn rất vui mừng khi nhận được tin đội Viettel giành chức vô địch cuộc thi Pwn2Own 2023, các bạn đã làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế. Vinh dự hơn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi lời chúc mừng đến đội vô địch, điều này cho thấy không chỉ Viettel quan tâm tới thành tích của các bạn mà Chính phủ, các bộ, ngành cũng đang rất chú trọng cho việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng.

Hiện nay, lĩnh vực an ninh mạng rất rộng lớn, trên không gian mạng bao la, càng nhiều thách thức càng kích thích chinh phục, do đó VCS cần tiếp tục tham gia sâu hơn nữa trong lĩnh vực này và phát triển ở nhiều lĩnh vực khác như năng lượng. Tôi vui mừng khi VCS đã đào tạo ra 3 thế hệ chuyên gia, đây là quá trình đường dài để chuẩn bị nguồn nhân lực an ninh mạng chất lượng cao. Viettel khẳng định luôn đồng hành với các bạn, thực hiện khát vọng, mục tiêu biến ước mơ thành hiện thực. Chặng đường phía trước rất dài, nhiều lĩnh vực, nhiều mục tiêu, nhiều thách thức, các chuyên gia của VCS cần giữ được tinh thần thắng không kiêu, bại không nản để chinh phục các đỉnh cao mới...".

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chúc mừng các thành viên vô địch cuộc thi Pwn2Own 2023. Ảnh: DUY QUANG

Thực tế cho thấy, khi khoa học-công nghệ càng phát triển thì VCS càng cần phải đào tạo ra nhiều hơn nữa chuyên gia bảo mật để có những đội ngũ kế cận, xây dựng ngôi nhà VCS ấm cúng, tạo ra và vượt qua mọi thách thức để mọi người cùng đi lên, phát triển. Bên cạnh đó, VCS cần nghiên cứu chính sách đặc thù trong việc sử dụng và đãi ngộ đội ngũ chuyên gia, bởi hiện nay trong đội ngũ này của VCS  có một số người chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học. Do đó, để họ yên tâm tiếp tục cống hiến cho VCS nói riêng và đất nước nói chung thì Nhà nước cũng cần có chính sách đặc thù cho các đối tượng này. Đặc biệt, VCS cần sớm có lộ trình rõ ràng vươn tầm thế giới, xây dựng thương hiệu quốc gia lớn mạnh, bền vững, tạo ra các sản phẩm cung cấp cho thị trường Việt Nam, trong khu vực và toàn thế giới.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...