Vài gợi ý để giúp đồng bào, trẻ em vùng cao thiết thực
Chúng tôi vừa có chuyến công tác tại các huyện Sốp Cộp, Bắc Yên của tỉnh Sơn La và cảm nhận rõ cái giá rét nơi vùng cao cũng như những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào, trẻ em nơi đây.
Vừa tới đơn vị, Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) đã hồ hởi kể với chúng tôi: “Đơn vị vừa kết nối, xin được 40 bộ giường hai tầng cùng đệm, chăn, màn cho các cháu học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mường Lèo (Trường dân tộc bán trú Mường Lèo) ở xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp đấy. Đồ cũ thôi nhưng vẫn dùng tốt. May mà kịp có trước khi mùa đông đến”.
Trường dân tộc bán trú Mường Lèo cách Đồn Biên phòng Mường Lèo không xa. Ngoài điểm trường chính còn có 5 điểm trường lẻ với 842 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Khu bán trú nằm ở điểm trường chính, hiện có 28 phòng, đáp ứng nhu cầu cho hơn 460 học sinh. Hầu hết gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nên không có điều kiện chăm lo. Vì vậy, năm nào Đồn Biên phòng Mường Lèo và nhà trường cũng vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ về giường, đệm, chăn, màn, áo ấm và một số đồ dùng học tập cho các em nhưng vẫn thiếu, một phần do hư hao trong quá trình sử dụng. Để bảo đảm đủ ấm cho học sinh, những ngày giá rét, các thầy, cô giáo ghép các em là anh, chị, em lại cho ngủ cùng giường.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lèo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La hướng dẫn học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Mường Lèo gấp chăn. |
Thầy giáo Lò Văn Thư, Quyền Hiệu trưởng Trường dân tộc bán trú Mường Lèo cho biết thêm: “Các em ở bán trú được hỗ trợ tiền ăn theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng đây là tiền ăn bán trú, tức là chỉ có nửa ngày, còn thực tế, do nhà ở cách xa trường nên các em đều ăn ở, sinh hoạt nội trú cả tuần, vì vậy, chúng tôi phải bảo đảm 3 bữa/ngày cho các em, chưa kể có nhiều em còn ở lại cả cuối tuần. Vì thế, với số tiền hỗ trợ ăn trưa, chúng tôi phải chia ra và cân đối làm sao để lo đủ 3 bữa cho các em. Do đó, ngoài chăn, đệm, quần áo ấm thì tôi rất mong các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ cả một số loại thực phẩm như mì ăn liền, đồ ăn khô để nhà trường tiện bảo quản và chăm lo cho các em tốt hơn. Số điện thoại của tôi là 0973.803.488”.
Tạm biệt thầy và trò Trường dân tộc bán trú Mường Lèo, chúng tôi đến xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên. Mới chớm đông mà sương mù đã phủ mờ núi rừng nơi đây, người cách người chỉ hơn một sải tay cũng không thấy mặt. Cái rét thì đã ngấm sâu vào da thịt. Chỉ cần rời khỏi bếp lửa là ngay lập tức cái lạnh xâm chiếm toàn cơ thể.
Hỏi chuyện các đồng chí cán bộ xã chúng tôi được biết, so với cách đây khoảng 5 năm, điều kiện kinh tế-xã hội ở xã vùng cao Háng Đồng có nhiều đổi khác rõ rệt. Đường đi thuận tiện hơn, nhiều hủ tục được xóa bỏ, nạn nghiện hút và trồng cây thuốc phiện giảm sâu, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%... Tuy vậy, do điều kiện canh tác, sản xuất khó khăn; giao thương không thuận lợi, chủ yếu tự cung, tự cấp nên cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, kể cả từ cái ăn đến cái mặc. Nói đến đây, bỗng chị Mùa Thị Tháy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Háng Đồng như nhớ ra điều gì và kể: “Năm ngoái, mình cũng kết nối và xin được một số quần áo cũ cho bà con đấy. Mùa đông trên đây lạnh lắm mà bà con vẫn còn thiếu nhiều. Qua Báo Quân đội nhân dân, tôi rất mong các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ bà con về vấn đề này và sẽ đứng ra tiếp nhận, kết nối, chuyển tới tận tay người dân. Số điện thoại của tôi là 0362.777.099”.
Xế trưa, sương mù vẫn bao phủ dày đặc trụ sở UBND xã Háng Đồng. Trên đường trở ra thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên, chúng tôi cứ nghĩ về những lo toan của thầy giáo Lò Văn Thư và chị Mùa Thị Tháy. Mong sao những chia sẻ, mong mỏi trên được lan tỏa và có hồi âm tích cực để mùa đông vùng cao bớt lạnh giá, cuộc sống của đồng bào bớt khó khăn, các em nhỏ bớt vất vả trên hành trình học chữ.