TikTok 'nuôi sống' tin giả

Nhiều kênh TikTok chuyên chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, sử dụng hình ảnh chưa xác minh khiến các cá nhân có liên quan bị ảnh hưởng, bôi nhọ danh dự trên mạng.

Hồi cuối tháng 3, nhiều tiếp viên hàng không bị lấy hình ảnh cá nhân ghép vào các clip nói về vụ xách 11 kg ma túy từ Pháp về Việt Nam trên TikTok. Những người này hoàn toàn không liên quan đến vụ việc nhưng bị hiểu lầm vì thông tin giả mạo, buộc phải đăng bài giải thích.

"Hiện nay có nhiều đối tượng sử dụng hình ảnh của em đăng thông tin sai sự thật nhằm câu like câu view, em hy vọng cả nhà yêu thương nếu có thấy thì report giúp em, em xin chân thành cảm ơn", nữ tiếp viên hàng không D.T.T., người bị ghép ảnh vào clip "xót thương em khi tuổi đời còn quá trẻ", chia sẻ trên trang cá nhân.

Dù không làm công việc tiếp viên hàng không, N.B.C. cũng bị lấy ảnh từ năm 2020 trong các clip lan truyền tin giả với những bình luận khiếm nhã.

Hiện các đoạn video này vẫn tồn tại trên nền tảng, thu hút hàng triệu lượt xem. Ngoài hình ảnh giả mạo, Tiktoker còn lồng ghép thông tin thiếu kiểm chứng, sai lệch và bịa đặt với mục đích câu tương tác.

Trong buổi họp báo chiều 6/4, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông chia sẻ chi tiết những vi phạm của TikTok tại Việt Nam và kế hoạch kiểm tra, xử lý nền tảng này trong thời gian tới.

Một trong 6 vi phạm của TikTok được đại diện Cục PTTH&TTĐT chỉ ra là "không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác".

Sự nguy hiểm của tin giả trên TikTok

Là mạng xã hội vượt mốc 1 tỷ người dùng nhanh nhất, TikTok lại có nhiều tính năng tạo ra ma trận tin giả.

Tin giả trên nền tảng này có thể thuộc bất kỳ lĩnh vực nào, từ giải trí, giáo dục, công nghệ cho đến kinh tế, chính trị... Các clip từ vài giây cho đến một phút thường được dựng như những bản tin ngắn với thông tin gây chú ý ở đầu, lồng ghép hình ảnh, âm thanh sao cho lôi cuốn nhất có thể.

Những hashtag phổ biến dưới loạt clip này bao gồm #tinnong (4,5 tỷ lượt xem), #hongbien (384 triệu lượt xem), #hongdrama (37 triệu lượt xem), #tinsoc (120 triệu lượt xem), #dramashowbiz (147 triệu lượt xem).

Các Tiktoker chuyên làm dạng nội dung này thường tự xưng là "biết tuốt" hay người có thể tóm tắt các vụ việc gây xôn xao cho "những ai thích hóng drama nhưng lười đọc tin tức".

Những kênh này thường lên clip về các vụ việc gây tranh cãi, tin sốc trong ngày, nhưng phần lớn là thông tin thiếu kiểm chứng, thậm chí sai sự thật. Một số còn tự biến mình thành "chuyên gia" để phân tích, bình luận sự kiện nóng.

tin gia tren tiktok anh 1

Kênh Tiktok chuyên cắt ghép hình ảnh, đưa thông tin thiếu kiểm chứng với từ ngữ câu view.

Nhiều trường hợp Tiktoker đã bị phạt vì lan truyền thông tin sai lệch, sử dụng hình ảnh trái phép, xúc phạm danh dự người khác.

Tháng 8/2022, Hoàng Nhật Minh (ngụ thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), chủ tài khoản Tiktok "hoangminhkhumbeo", bị xử phạt hành chính vì đăng thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự người miền Trung.

Hai tháng sau, Tiktoker này tái phạm, tiếp tục bị phạt 10 triệu đồng vì "cung cấp thông tin sai sự thật".

Tháng 9/2021, công an thành phố Cần Thơ xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với B.Q.G. (35 tuổi, trú xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), chủ tài khoản Tiktok "gioi.tay.do.180286.al", về hành vi "chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức".

Điều đáng chú ý là trước khi bị xử lý các kênh TikTok này đều có hàng nghìn người theo dõi và hàng triệu lượt xem.

 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng dù luôn hoài nghi về nội dung trên nền tảng, người dùng Tiktok vẫn dễ dàng sập bẫy tin giả.

Một nghiên cứu vào tháng 9/2022 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters tại Đại học Oxford cho thấy chỉ 20% người dùng ở Vương quốc Anh và Mỹ cho biết tin tưởng tin tức trên TikTok, so với 53% (Anh) và 49% (Mỹ) chắc chắn về thông tin mà họ thấy bên ngoài nền tảng.

Tuy nhiên, mặc dù khẳng định rất ý thức về việc bị lừa, nhiều người dùng vẫn tiếp tục sử dụng thông tin từ TikTok và coi đó là hợp pháp.

Marcus Bösch, nhà nghiên về mạng xã hội tại HAW-Hamburg (Đức), tin rằng điều đó có thể do cách chúng ta được dạy về kiến ​​thức truyền thông trong lịch sử.

"Từ lâu, khán giả được định hướng để tin rằng 'chỉ những gì chúng ta nhìn thấy tận mắt' hoặc 'đưa hình ảnh đây không thì chuyện không có thật'. Nhưng mọi người cần phải biết rằng điều này không nhất thiết phải đúng trong kỷ nguyên mới của phương tiện tổng hợp, trong đó một hoặc nhiều phần của tệp video, hình ảnh hoặc âm thanh đã bị cắt, ghép, dàn dựng", ông nói.

Jess Maddox, trợ lý giáo sư tại Đại học Alabama (Mỹ), đồng thời là chuyên gia về văn hóa Internet, cũng tin rằng cách trình bày thông tin trên TikTok khiến nó trở nên đáng tin cậy hơn đối với người dùng.

"Việc quay video qua camera trước làm tăng sự gần gũi. Đây là điều khiến những người có ảnh hưởng và người tạo nội dung thành công. Nó khiến người dùng cảm thấy như thể họ đang trò chuyện trực tiếp với một người bạn, trái ngược với một người lạ. Và liệu một người bạn có nói dối bạn không?".

Thuật toán đáng sợ

Nguồn cung cấp trên TikTok là vô tận. Ít nhất 1,6 triệu video được đăng lên nền tảng mỗi ngày chỉ riêng ở Vương quốc Anh, với 5 triệu video được tải lên mỗi giờ trên toàn thế giới.

Cả hai con số này đều có từ năm 2020 và khi ứng dụng phát triển, thống kê có thể tăng vọt.

 

Các nhà phân tích của NewsGuard, công cụ đánh giá độ tin cậy của các nguồn tin, nhận thấy rằng gần 20% video được hiển thị dưới dạng kết quả tìm kiếm của TikTok chứa thông tin sai lệch.

Một trong những lỗ hỏng lớn nhất của nền tảng là cho phép người dùng đăng tải clip với phần hình ảnh, âm thanh không rõ nguồn gốc.

Thêm vào đó, trang "Dành cho bạn" (For you) của TikTok chứa hầu hết là clip của người xa lạ, được quyết định bằng thuật toán do nền tảng tạo ra.

tin gia tren tiktok anh 2

Thuật toán của TikTok đang góp phần thúc đẩy tin giả lan truyền. Ảnh: Rafael Henrique.

Thuật toán này sẽ hiển thị các đoạn video dựa trên dữ liệu cá nhân hóa nhằm giữ chân người dùng lâu hơn trên ứng dụng. Không phân biệt thật hay giả, thuật toán chỉ ưu tiên nội dung có tính tương tác cao. Điều này khiến người dùng càng dễ tiếp cận với thông tin bịa đặt câu view hơn.

Maddox, trợ lý giáo sư tại Đại học Alabama, cho biết thuật toán và thiết kế của TikTok dường như cố gắng ngụy tạo tin giả dưới lớp vỏ sự thật.

"Rất nhiều thông tin sai lệch lan truyền trên TikTok, một phần là do thiết kế ứng dụng và một phần là do văn hóa. Người dùng dường như có mức độ tin tưởng cao hơn đối với TikTok vì trang 'Dành cho bạn' và thuật toán chính xác đến đáng sợ của nó".

Tom Divon, nhà nghiên cứu về TikTok tại Đại học Do Thái Jerusalem (Israel), đồng tình với quan điểm này.

"Việc cá nhân hóa nội dung bằng thuật toán của TikTok có tác động đáng kể đến cách người dùng cảm nhận các video họ xem trên nền tảng này. Người dùng nhận ra rằng các video họ xem được điều chỉnh theo sở thích và niềm tin cá nhân. Điều này có thể góp phần tạo nên cảm giác liên kết và độ tin cậy. Do đó, nó có thể nâng cao mức độ sẵn sàng chấp nhận và chia sẻ thông tin mà họ gặp trên nền tảng", ông Divon nhận định.

Tags: tin giả , TikTok
Lượt xem: 10
Tác giả: Lê Vy
Nguồn:tintuc.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...