Thu nhập người dân đuối sức trước giá nhà

Nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy, giai đoạn từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023, giá bán căn hộ tại Hà Nội tăng khoảng 13%/năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội năm 2019 đạt 6,34 triệu đồng/người/tháng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2022, mức thu nhập này đạt 6,423 triệu đồng/người/tháng, chỉ tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội được HĐND TP Hà Nội thông qua, năm 2023, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người của thành phố đạt khoảng 150 triệu đồng/người. Như vậy, nếu đạt mục tiêu đề ra, tốc độ tăng GRDP/người cũng chỉ ở mức khoảng 6%/năm trong cùng giai đoạn, chưa bằng 1/2 so với tốc độ tăng giá nhà. Điều này cho thấy, tốc độ tăng giá nhà bỏ khá xa tốc độ tăng thu nhập của người dân và so với mặt bằng phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Chung cư ở Hà Nội tăng giá ở tất cả các phân khúc. Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2023, thị trường bất động sản rơi vào cảnh trầm lắng, đóng băng, số lượng giao dịch giảm sút nhưng nghịch lý là giá nhà vẫn ở mức cao. Trước đó, những đợt sốt nóng của thị trường đã đẩy giá bất động sản tăng nhanh, vượt quá xa thu nhập của đại bộ phận người dân. Nguyên nhân chính của tình trạng này trước hết do lệch pha cung-cầu, thiếu hụt sản phẩm nhà ở phân khúc bình dân, dư thừa phân khúc cao cấp. Trong khi nhu cầu nhà ở không ngừng tăng lên cùng với dân số tập trung ngày càng đông tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ bất động sản cũng tác động lớn đến giá cả trên thị trường. Tâm lý xem bất động sản là tài sản tích lũy với hy vọng càng để lâu giá trị càng tăng khiến giá nhà khó giảm. Cùng với đó, còn không ít thủ tục liên quan đến dự án bất động sản, làm tăng chí phí và chưa có nhiều chính sách hiệu quả để khuyến khích doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển sản phẩm bất động sản vừa túi tiền của đa số người dân.

Muốn kéo mặt bằng giá nhà về mức phù hợp với thu nhập người dân, giải pháp quan trọng nhất là tăng nguồn cung phân khúc nhà ở bình dân. Đồng thời, cần đa dạng hóa loại hình nhà ở, ngoài nhà để bán còn có thêm nhà cho thuê, thuê mua (sau một thời gian thuê nhà sẽ được mua lại với giá ưu đãi). Để làm được điều này, có hai sản phẩm bất động sản cần được ưu tiên, khuyến khích đầu tư xây dựng. Thứ nhất là nhà ở xã hội dành cho đối tượng chính sách, LLVT, công nhân, người thu nhập thấp. Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân để sớm có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Thứ hai là nhà ở vừa túi tiền thuộc phân khúc bình dân, trung cấp. Sản phẩm này có tính thanh khoản cao, thị trường hấp thụ tốt, nhu cầu lớn nhưng ít được quan tâm vì lợi nhuận thấp. Đây là sản phẩm nhà ở mà hầu hết người dân có thể tiếp cận được, dễ dàng giao dịch, mua bán vì không phải qua quá trình xét duyệt và những điều kiện đi kèm như nhà ở xã hội.

Hiện nay, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị trên cả nước, hạ tầng giao thông đang tiếp tục mở rộng. Có thể kể đến hai dự án quy mô lớn là đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Khi các tuyến đường này hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển khu vực ngoại vi thành phố, quỹ đất hai bên đường cũng sẽ được khơi thông. Nếu ưu tiên sử dụng quỹ đất này cho các dự án nhà ở có mức giá hợp lý, hướng đến phục vụ đại bộ phận người dân sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy nguồn cung bất động sản. Giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ cộng với giá cả phù hợp là các yếu tố thu hút nhiều người tìm đến dự án bất động sản ở ngoại thành, góp phần bố trí lại dân cư hợp lý, giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Tags: thu nhập
Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết