Thủ khoa Bách khoa: Không coi nhẹ, bỏ qua bất kỳ môn học nào
Nguyễn Thế An (sinh 2002) là một trong 2 sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp với điểm số tuyệt đối, điểm rèn luyện xuất sắc. An cho biết, muốn đạt được điểm cao, sinh viên cần nắm chắc nội dung môn học...
Theo thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2024 lần đầu tiên ngôi trường hàng đầu về kỹ thuật này có 2 thủ khoa tốt nghiệp với điểm tuyệt đối 4.0/4.0 kể từ khi áp dụng cách tính điểm này vào năm 2007. Một trong hai gương mặt xuất sắc đó là Nguyễn Thế An (2002), sinh viên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông. Chàng trai trẻ cũng là một trong những Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
An là cựu học sinh lớp chuyên Toán của trường THPT chuyên Bắc Ninh. Năm 2020, chàng trai trẻ trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) đạt 29,1, mức này cao nhất tỉnh Bắc Ninh và đứng thứ 5 cả nước.
Nguyễn Thế An |
Có nền tảng tốt giúp An tự tin hơn khi vào Đại học Bách khoa học tập. Tuy nhiên, chàng trai trẻ không đặt mục tiêu trở thành thủ khoa mà chỉ cố gắng kiếm học bổng bởi chương trình của Bách khoa vốn rất nặng và khó. Bên cạnh đó, chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo An theo học vốn được giảng dạy bằng tiếng Anh, bởi những giáo sư hàng đầu từ cả trong nước lẫn quốc tế. Đạt điểm số tối đa trong một môi trường khắt khe như thế nên chàng trai trẻ được thầy cô đánh giá rất cao.
Không gặp rào cản vì có nền tảng từ trước nhưng trong giai đoạn đầu, An cũng cảm thấy khó thích nghi vì mỗi môn học là một mảng kiến thức khác nhau. Theo An, muốn đạt được điểm cao, sinh viên cần nắm chắc nội dung môn học. “Có những môn lý thuyết, lượng slide bài giảng của thầy cô lên tới hàng nghìn trang, chẳng hạn như môn “Hệ điều hành” hay “Kiến trúc máy tính”... Để hiểu được nội dung bài, mình thường phải xem trước slide được cung cấp, sau đó lên lớp tiếp tục lắng nghe thầy cô giảng”, An chia sẻ.
An cũng cho rằng, sinh viên không nên coi nhẹ và bỏ qua bất kỳ nội dung kiến thức nào mà phải học hết. Thậm chí, người học nên tự mở rộng kiến thức thông qua sách vở, nghiên cứu trên Internet và làm nhiều bài tập để ghi nhớ lâu hơn.
Nguyễn Thế An (thứ hai từ trái sang) cùng thầy cô và các bạn trong phòng nghiên cứu |
Vì thế, năm thứ ba đại học, An bắt đầu tham gia vào lab nghiên cứu về học máy của PGS.TS Thân Quang Khoát (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội). Được cọ sát với kiến thức chuyên sâu, chàng trai trẻ nhận ra, ngành Trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng, liên tục đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, sinh viên cũng cần học cách nghiên cứu, nâng cao nền tảng kiến thức.
Thực tế, nhiều bạn cùng lớp với An điểm có thể không cao bằng nhưng nghiên cứu rất tốt. Vì thế, chàng trai trẻ thầm nhủ phải học hỏi, cố gắng nhiều hơn. Thành quả, An là đồng tác giả 2 bài báo được bình duyệt tại Hội nghị quốc tế về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh (NeurIPS 2024).
Hiện An là kỹ sư nghiên cứu tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software AI Center). Chàng trai 22 tuổi dự kiến làm tại đây hai năm, trước khi ứng tuyển học bổng du học bậc tiến sĩ để vững vàng hơn trên con đường đã chọn và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội.
Thế An giành học bổng Khuyến khích học tập loại A 6 học kỳ tại Đại học Bách khoa Hà Nội; là thành viên thuộc nhóm nghiên cứu Machine Learning, Trung tâm nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo BKAI; kỹ sư nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo – Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software AI Center). Chàng trai trẻ có 2 bài báo là đồng tác giả được bình duyệt tại Hội nghị quốc tế về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh (NeurIPS 2024); nhận giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; tham gia HIEC – CLB Sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội |