Sửa đổi Luật Điện lực: Tạo hành lang pháp lý phát triển các nguồn năng lượng
Sau gần 20 năm được ban hành và thực thi, Luật Điện lực đã góp phần phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, Luật Điện lực cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.
Giải quyết bất cập trong thu hút đầu tư
Sau gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, như: Thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải thấp trong sản xuất điện; chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ...
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC). Ảnh: VŨ DUNG |
Trước những bất cập đó, TS Nguyễn Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng: "Nhiều quy định trong luật cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư xây dựng các dự án mới. Đơn cử như việc thu hút chủ đầu tư vào các nhà máy sản xuất, chế biến, chế tạo có nhu cầu sử dụng điện đầu vào bảo đảm nguyên liệu xanh, sạch và bền vững. Bởi đây là một trong những tiêu chí bảo đảm cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế". Theo đó, luật cần sửa đổi, bổ sung thủ tục trong quy hoạch các dự án điện; cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cơ chế huy động vốn cho các dự án điện không có bảo lãnh chính phủ, bởi nhiều dự án lớn nếu phải tự thu xếp vốn và sử dụng vốn đối ứng để thực hiện, doanh nghiệp sẽ không đủ nguồn lực.
Nhằm hấp dẫn lĩnh vực điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng), luật sửa đổi cũng xây dựng và phê duyệt xây dựng các cụm kho cảng LNG theo hướng tập trung, đồng bộ với các nhà máy điện ở các khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu sử dụng điện lớn. Bên cạnh đó, có cơ chế thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư, các loại hình khu công nghiệp, nhà máy cam kết bao tiêu dài hạn, cùng với chuỗi nhà máy điện, kho cảng LNG để tận dụng cơ sở hạ tầng điện khí hiệu quả, cũng như xây dựng cơ chế giá điện khí LNG cần phải theo cơ chế thị trường do chi phí nhập khí LNG chiếm phần lớn trong giá thành sản xuất điện.
Hoàn thiện cơ chế thúc đẩy điện gió ngoài khơi
Về điện gió ngoài khơi, theo các chuyên gia đánh giá, các quy định pháp luật hiện tại chưa thể điều chỉnh đầy đủ việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Các trở ngại, bất cập của pháp luật về điện gió ngoài khơi liên quan đến nhiều bộ luật, đến chức năng của nhiều bộ, cơ quan. Chưa có quy định, cơ chế để phát triển dự án đầu tiên trong giai đoạn khởi tạo. Trong khi đó, thời gian đầu tư, xây dựng dự án điện gió ngoài khơi cần khoảng 7-10 năm kể từ thời điểm bắt đầu khảo sát.
Để phát triển điện gió ngoài khơi, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng ban Thương mại Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) kiến nghị: "Cần khuyến khích xuất khẩu điện gió ngoài khơi để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên gió ngoài khơi, tham gia chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi toàn cầu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng với dự án điện gió ngoài khơi, tạo cơ chế một cửa trong quản lý nhà nước về điện gió ngoài khơi nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án".
Ông Bùi Quang Huy, đại diện Ban Điện và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề xuất, trong Điều 39 dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần bổ sung về phát triển dự án ngoài khơi với nội dung: Giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty con (do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) thực hiện đầu tư dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, bao gồm dự án điện gió ngoài khơi bán điện cho thị trường trong nước và dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu điện bảo đảm 3 yếu tố: Cơ chế tính giá điện phản ánh đầy đủ các chi phí đầu tư và sản xuất, bảo đảm huy động sản lượng theo khả năng phát của nhà máy, cho phép hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm về lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Theo TS Dư Văn Toán, chuyên gia về năng lượng tái tạo, cần có tiêu chí cụ thể để lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng khảo sát điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, cần có quy định công suất điện gió tối đa cho một dự án là bao nhiêu, chẳng hạn 0,5GW, 1GW hay 2GW... để vừa khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án vừa bảo đảm cân đối hệ thống truyền tải điện. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần quy hoạch các vùng biển có tiềm năng và khả năng phát triển điện gió ngoài khơi.
LA DUY