Quảng Nam: Phần đất cưỡng chế thi hành án có hình thù kỳ lạ
Gia đình bà Nĩ được Nhà nước cấp sổ đỏ cho diện tích đất tại xã Bình Dương từ năm 1996 nhưng sau đó bị người khác khởi kiện đòi 497,7m2.
Diện tích 497,7m2 tại thửa đất số 23, tờ bản đồ số 38 có diện tích 2.244,7m2 của gia đình ông Hương bị cưỡng chế thi hành án vào sáng 26/12 (Ảnh: V.Q) |
Ngày 27/12, đại diện UBND xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) cho biết, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và đơn vị liên quan đã tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với một phần diện tích đất đã được cấp sổ đỏ của hộ bà Lê Thị Nĩ (tổ 1, thôn Duy Hà) sau khi đã có 2 bản án từ TAND tỉnh Quảng Nam và TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng.
Phần đất bị cưỡng chế thi hành án không có lối ra
Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 27/12, phần diện tích 497,7m2 của hộ bà Lê Thị Nĩ đã được cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế cắm mốc, thực hiện việc rào ranh giới bằng trụ bê tông và lưới thép B40.
Việc cưỡng chế thi hành án nhằm bàn giao diện tích 497,7m2 nói trên sang cho bà Nguyễn Thị Tám, trú tại tổ 2, thôn Duy Hà; nguyên đơn trong 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm về "Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định cá biệt".
Theo ghi nhận của phóng viên, phần diện tích đất 497,7m2 sau cưỡng chế lại không có lối ra do diện tích xung quanh còn lại chính là do hộ bà Lê Thị Nĩ đứng tên quản lý và sử dụng đã được cấp sổ đỏ cùng nhiều diện tích cây trồng lâu năm như dừa, xoài.
Phần diện tích 497,7m2 sau cưỡng chế không có lối vào (Ảnh: V.Q) |
Phản ánh với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Trương Văn Hường (con trai bà Nĩ) cho biết, trước thời điểm gia đình bị yêu cầu cưỡng chế thi hành án, bà Nĩ đã phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa điều trị do bệnh cũ tái phát. Hiện nay, bà Nĩ đã được đưa về nhà người chị ruột để chăm sóc.
Dẫn phóng viên ra khu vực đất vừa bị cưỡng chế thi hành án, ông Hường cho biết hiện nay diện tích đất của gia đình nằm tiếp giáp với hộ bà Trần Thị Bốn đã bị cơ quan chức năng cắm trụ bê tông và giăng lưới B40 ngăn cách.
Phần diện tích 497,7m2 sau cưỡng chế có hình thù kỳ lạ do xác định ranh giới không rõ ràng (Ảnh: V.Q) |
"Diện tích đất nằm tiếp giáp với đường bê tông vẫn còn thuộc quyền sở hữu, quản lý của gia đình. Bên trong là phần diện tích 497,7m2 đã bị cưỡng chế. Phần đất này hiện không có lối vào và có hình thù kỳ lạ do ranh giới được xác định một cách mơ hồ", ông Hường phân tích.
Việc cấp sổ đỏ cho gia đình bà Nĩ đúng quy định pháp luật
Theo hồ sơ phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có được, hộ ông Trương Lâm (chồng bà Nĩ) đến khai phá và sinh sống trên thửa đất số 151, tờ bản đồ số 24, diện tích 2.241m2 (nay là thửa đất số 23, tờ bản đồ số 38, diện tích 2.244,7m2) tại thôn 6, xã Bình Dương (nay là tổ 1, thôn Duy Hà, xã Bình Dương) từ trước năm 1975.
Đến năm 1996, hộ ông Lâm được cơ quan chức năng huyện Thăng Bình xuống kiểm tra, đo đạc và thực hiện việc cấp sổ (số H223995) trên diện tích 2.241m2 (đất thổ cư) ngày 6/4/1996.
Đến ngày 19/12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã ký, cấp đổi sổ số BY018184 cho hộ bà Nĩ đối với thửa đất số 23, tờ bản đồ số 38, diện tích 2.244,7m2 (biến động tăng 3,7m2).
Đến ngày 3/11/2021, hộ bà Tám bất ngờ khởi kiện hộ ông Lâm ra TAND tỉnh. Sau quá trình xét xử, đến tháng 8/2022, gia đình ông Hường nhận được bản án số 27/2022 buộc trả lại diện tích 497,7m2 đất đã được cấp sổ đỏ cách đây đã 26 năm và một phần diện tích trong sổ đỏ số CH03734 do huyện Thăng Bình cấp năm 2017.
Sổ đỏ được UBND huyện Thăng Bình cấp cho hộ ông Lâm (chồng bà Nĩ) |
Tại vụ án sơ thẩm do TAND tỉnh Quảng Nam tiến hành xét xử, Sở Tài nguyên và Môi trường (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trình bày bằng Công văn số 1222 ngày 22/6/2020, khẳng định việc cấp sổ đỏ số H223995 năm 1996 và cấp đổi sổ số BY018184 năm 2016 cho gia đình bà Nĩ đúng quy định pháp luật.
UBND huyện Thăng Bình (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cũng khẳng định, việc hộ bà Nĩ đăng ký đối với sổ đỏ có diện tích 1.430,5m2 là đúng quy định pháp luật. Việc bà Tám kiện đòi huỷ sổ đỏ số CH03734 do huyện Thăng Bình cấp cho bà Nĩ là không có cơ sở.
Ông Hường cho biết, hiện nay gia đình đã có đơn đề nghị Giám đốc thẩm tại Thông báo số 1024 ngày 28/9/2023 của TAND Tối cao. Trong nội dung đơn, gia đình ông Hường cho rằng nội dung hai bản án đã xác định không đúng chủ thể, xác định sai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ông Hường khẳng định, các bên liên quan không có chứng cứ hoặc tài liệu nào chứng minh diện tích 497,7m2 đất của gia đình là đất tranh chấp. Tại bản án sơ thẩm cũng không hề ghi nhận đầy đủ các lời khai, gây ảnh hưởng quyền lợi cho gia đình ông. Do đó, hộ ông Hường đề nghị tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm.
Theo Luật sư Phan Công Hùng (Văn phòng Luật sư Tam Phúc, thị xã Điện Bàn; Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam), việc TAND tỉnh Quảng Nam và TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Tám (con gái bà Thơm) là không có cơ sở. Theo đó, về nguồn gốc thửa đất có diện tích 497,7m2, theo lời khai của những người sinh sống tại khu vực này khi còn sống thì bà Thơm (mẹ của nguyên đơn) sử dụng từ năm 1975 đến 1992. Tuy nhiên, theo hồ sơ đăng ký kê khai đất đai qua các thời kỳ thì bà Thơm lúc còn sống cũng như các con bà Thơm (khi bà Thơm đã mất) không có đăng ký kê khai theo quy định của Luật Đất đai. Về tài sản trên đất, Luật sư Hùng đánh giá bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam và bản án phúc phẩm của TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng đều thể hiện là bà Thơm sử dụng từ năm 1975 đến 1992 thì bỏ hoang; năm 1999 thì bà Nỹ sử dụng trồng cây lâu năm cho đến nay. Hiện nay, trên đất có tài sản của ông Hải (chồng bà Bốn) là một giếng đóng, một nhà vệ sinh đã hỏng. Như vậy, về nguồn gốc đất và tài sản trên đất không phải của bà Thơm (mẹ bà Tám) nhưng Tòa án 2 cấp đã căn cứ vào nguồn gốc đất và tài sản trên đất để tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Tám là chưa khách quan. |