Phú Yên: Khát khao được nạo vét khơi thông luồng lạch các cửa biển Tuy An

Nhiều năm qua, một số cửa biển thuộc các xã: An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Hải… nhất là khu vực đầm Ô Loan của huyện Tuy An, Phú Yên bị cát bồi lấp, không chỉ cản trở tàu thuyền của ngư dân ra khơi đánh bắt, nuôi trồng hải sản mà còn khiến cho tàu thuyền của ngư dân khi vào tránh trú bão gặp rất nhiều khó khăn.

 

Cát bồi lấp nhiều năm đã và đang gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của ngư dân Phú Yên. Ảnh: Đỗ Vương

Huyện Tuy An là một trong những huyện có nhiều hộ dân làm nghề đánh bắt trên biển và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Phú Yên. Họ bám biển, đối đầu với sóng gió để mưu sinh bằng phương tiện tàu thuyền và nuôi trồng hải sản sò huyết; hàu biển... Với ngư dân, tàu thuyền là một tài sản lớn, vì vậy bến đậu và luồng lạch ra vào các cửa biển rất quan trọng. Do vậy, để đảm bảo sự an toàn cho tàu thuyền sau những chuyến ra khơi, nhất là trong mùa mưa bão cũng như nuôi trồng hải sản lại cần có nguồn nước lưu thông tạo môi trường nước trong sạch.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thực tế là từ mấy chục năm qua, một số cửa biển thuộc các xã: An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Hải… nhất là khu vực đầm Ô Loan nổi tiếng về du lịch và nuôi trồng hải sản đã bị cát bồi lấp, không chỉ cản trở tàu thuyền của ngư dân ra khơi đánh bắt, mà còn khiến cho tàu thuyền của ngư dân khi vào tránh bão gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là nước bị ô nhiễm nặng do nguồn nước không lưu thông trở nên tù đọng, khiến sản lượng hải hàng năm sụt giảm nghiêm trọng, có năm tới khoản 80%.

Cửa biển Lễ Thịnh thuộc xã An Ninh Đông (còn gọi là cửa Mái Nhà) là nơi tránh bão tốt nhất khu vực và cửa biển Tân Quy thuộc xã An Hải thông với đầm Ô Loan bị cát biển bồi lấp như những con đê chắn cửa khổng lồ. Vào mùa mưa bão, tàu thuyền các loại lớn nhỏ không chỉ của ngư dân trong huyện Tuy An mà tàu thuyền của cả ngư dân các tỉnh khác kéo về đây tránh bão, chiếc nọ giằng vào chiếc kia, có lúc lên đến cả ngàn chiếc. Suốt hơn mấy chục năm qua, cuộc sống của ngư dân nơi đây gặp nhiều khó khăn một phần lớn là do trở ngại bởi các cửa biển bị bồi lấp.

Theo bà con ngư dân các xã thuộc huyện Tuy An việc khai thông luồng lạch chính là nguyện vọng mong mỏi nhất hiện nay do tình trạng luồng lạch cửa biển bị bồi lấp tại đây rất nghiêm trọng. Khi mực nước sâu khoảng hơn 1,2 mét thì tàu thuyền còn vào, ra được nhưng nếu mực nước sâu chưa tới 0,5 mét thì ngay cả những tàu nhỏ chỉ dài khoảng 9 – 10 mét vào ra đã rất khó khăn, còn tàu lớn, dài hơn 15 -16 mét thì không thể ra vào được. Trong khi thu nhập của ngư dân phụ thuộc vào số ngày ra khơi đánh bắt. Có thời điểm, ngay trong mùa đi biển mà mực nước quá cạn, tàu không thể ra khơi được, phải neo bến phơi nắng.  

Một góc Đầm Ô Loan nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Vương

Được biết, các hộ ngư dân nơi đây đã “kêu cứu” suốt mấy chục năm qua. Từ cán bộ đến bà con ngư dân huyện Tuy An đều cho rằng, vấn đề bức xúc nhất đã kéo dài dai dẳng từ hàng chục năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến đến đời sống của người dân, đến sự phát triển chung của cả cộng đồng, chính là việc phải gấp rút khai thông luồng lạch ra vào các cửa biển.

Được biết, khi còn là tỉnh Phú Khánh (cũ) tức từ khoảng năm 1980, tình trạng cát bồi lấp ở các cửa biển nơi đây đã được ngư dân rất nhiều lần “kêu” lên chính quyền các cấp, nhưng đều rơi vào im lặng cho đến khi chia tỉnh (1989). Rồi, Phú Yên thành lập từ năm 1989 đến nay, luồng lạch cửa biển tiếp tục bị bồi lấp hàng năm. Ngư dân thì bức xúc vì đời sống khó khăn, còn chính quyền các cấp thì đều biết rõ cả, nhưng cứ bảo “phải chờ”. Hiện Phú Yên lại chuẩn bị sáp nhập vào tỉnh mới, ngư dân cũng không biết sẽ còn chờ đến bao giờ…?.

Trước mùa mưa bão năm nay, các xã nghề biển của huyện Tuy An nghe nói các luồng lạch tại các cửa biển sẽ được nạo vét, sẽ được “khởi động” nhưng hình như vẫn đang nằm trên giấy (năm 2010 huyện Tuy An có hẳn một dự án nạo vét các cửa biển, nhưng việc triển khai dự án vẫn nằm trên giấy cho đến nay).

Anh Nguyễn Văn Hoàng  (31 tuổi), một ngư dân địa phương chỉ tay về phía hàng chục bè nuôi hàu đang nằm phơi mình dưới nắng cho biết: “Cửa Tân Quy này là luồng chính thông với đầm Ô Loan, nhưng rong rêu phủ đầy, nhiệt độ nước nóng quá nên tôm, cá, cua, hàu... không sống được. Sản lượng nuôi giảm dần theo từng năm, ngư dân bỏ nghề nhiều lắm. Nếu không nạo vét khai thông cửa biển này thì tàu thuyền không ra khơi làm nghề và vào ra được mà nghề nuôi trồng hải sản ở đây và ở đầm Ô Loan coi như tê liệt. Quá bức xúc có một mùa lũ, ngư dân của mấy xã huy động tới hàng chục người lợi dụng dòng chảy để khai thông cửa biển, nhưng chỉ vài tháng sau cửa Tân Quy lại bị lấp đầy.

“Tóm lại, khai thông luồng lạch là hy vọng sống của ngư dân 5 xã nằm ven đầm Ô Loan”, anh Nguyễn Văn Hoàng đưa ra lời kết.

Còn ông Nguyễn Văn Phước và bà Trần Thị Giỏi ở xã An Hải thì vừa ngồi đập nát những con hàu chết khô nhằm tận dụng lại những sợi dây ni-lon vừa nói: “Chúng tôi đã ngoài 70 tuổi rồi phải tận dụng những sợi dây này vì tiếc, hàu chết khô vì nước nóng do tù đọng, có năm mất trắng cả vốn, nhiều vụ lỗ đến quá 50%. Cuộc mưu sinh, càng ngày càng khó, thanh niên trai trẻ bỏ đi làm nghề khác nhiều lắm, phải chăng Nhà nước cho khơi thông cửa biển Tân Quy này may ra mới có hy vọng”.

Những tiếng “kêu cứu” của ngư dân về việc nhanh chóng khơi thông luồng lạch ở các cửa biển Tân Quy, Lễ Thịnh thuộc các xã An Ninh Đông, An Hải huyện Tuy An, Tỉnh Phú Yên ngày càng khẩn thiết.

Nói về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, lâu nay tỉnh nắm rất rõ về một số cửa biển thuộc các xã: An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Hải… nhất là khu vực đầm Ô Loan nuôi trồng hải sản bị ô nhiễm, cát bồi lấp cửa biển không chỉ cản trở tàu thuyền của ngư dân ra khơi đánh bắt, mà còn khiến cho tàu thuyền của ngư dân khi vào tránh bão gặp rất nhiều khó khăn. UBND tỉnh dự tính nạo vét, làm cửa ngay Tân Quy đảm bảo nhu cầu thông suốt tàu thuyền cho bà con và nguồn nước thông dòng, trao đổi giữa biển với Đầm Ô Loan tránh nước bị tù đọng ở đầm, gây ô nhiễm môi trường nhưng vì nguồn kinh phí quá lớn nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tài chính cũng như thiết kế...

Chiếc xuồng nhỏ chở chúng tôi ra cửa biển Tân Quy bị mắc cạn với mực nước sâu chưa đến nửa mét. Chủ chiếc xuồng phải lội xuống đẩy mới đi được. Bỗng nhiên, tôi ước “Giá ngày mai cửa biển này được nạo vét, khơi thông thì hạnh phúc cho ngư dân biết mấy…”.

Mùa mưa bão năm 2025 cận kề, hy vọng các cửa biển của huyện Tuy An, Phú Yên được nạo vét, khơi thông để hàng ngàn tàu thuyền ra vào đánh bắt hải sản, tránh trú bão và nuôi trồng hải sản ở khu vực đầm Ô Loan. Ngư dân Tuy An, Phú Yên khát khao được các cấp chính quyền nhanh chóng nạo vét, khơi thông luồng lạch giống như khai thông mạch sống, làm hồi sinh vùng cửa biển Tuy An.

 

 

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...