Phụ nữ ngày càng nâng cao vai trò trong xã hội

Với truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tế đã chứng minh, khi được tôn vinh và trân trọng đúng mức, những người phụ nữ sẽ tỏa sáng và phát huy vai trò của mình, có thêm nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Theo báo cáo của cuộc điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ phụ nữ bị các dạng bạo lực đã giảm nhẹ. Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực thấp hơn và điều này cho thấy trình độ học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Phụ nữ Việt Nam đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đồng thời, phụ nữ là nhân tố đặc biệt quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Tôn vinh những nữ trí thức ngành y. 

Nếu như trước đây, phụ nữ chỉ gắn liền với các công việc chân tay, thủ công cơ bản vì trước đó, họ bị hạn chế về mặt kiến thức và bị định kiến giới cản trở ước mơ, mong muốn, không được tiếp thu khoa học, kỹ thuật thì ngày nay, bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển, phụ nữ đã được tự do lựa chọn lĩnh vực họ muốn, tham gia cạnh tranh công bằng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ, ngành nghề mà nam giới vẫn thường được coi là có ưu thế, nhưng tại Việt Nam những năm gần đây, phụ nữ đang từng bước tạo dựng những lợi thế nhất định trong công nghệ, với cơ hội việc làm rộng mở. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ tại Việt Nam đang chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ, cao hơn so với thế giới (25%). Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm. Có nhiều lý do dẫn đến tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, một trong số đó là thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định: "Việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xoá bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp... được xem là chìa khóa để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số. Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để bảo đảm rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau".

Theo chia sẻ của PGS, TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam (Bộ Y tế), trong khoảng thời gian cả nước chung tay cùng ngành y tế phòng, chống Covid-19 thì lực lượng nữ cán bộ y tế đã đóng góp không nhỏ trong việc khống chế dịch bệnh. Đã có khoảng 40% cán bộ nữ xung phong tham gia chống dịch trong số hơn 25.000 cán bộ được tăng cường cho các tỉnh phía Nam. Trên vai họ không chỉ là gánh nặng gia đình như bao phụ nữ khác mà còn mang theo trách nhiệm của một ngành, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các nữ nhân viên ngành y vẫn mạnh mẽ, cố gắng vượt qua những khó khăn của bản thân, gia đình, vẫn toàn tâm cống hiến trong nghiên cứu khoa học, cải tiến công việc để phục vụ với chất lượng cao hơn cho người bệnh.

Phụ nữ là một thành tố quan trọng để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Trong phạm vi cả nước, mỗi phụ nữ là một hạt nhân thực hiện an sinh xã hội từ sự lan tỏa lòng tốt, yêu thương, giúp đỡ những người cơ nhỡ, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo... Những mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ngày càng được nhân rộng ở các địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Việt Nam đã đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, trong đó có đóng góp quan trọng của phụ nữ. Còn nhiều nữa những minh chứng cho thấy đóng góp to lớn của phụ nữ trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Thực tế đã chứng minh, khi được tôn vinh và trân trọng, phụ nữ ngày càng phát huy vai trò cống hiến to lớn hơn cho xã hội.

Tags: phụ nữ
Lượt xem: 1
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...